KHPTO – Thực hiện chủ trương chuyển đổi đất trồng màu và vườn tạp sang trồng lan Mokara, đến nay, trên 100 nông hộ của huyện Củ Chi đạt lợi nhuận tối thiểu 200 – 300 triệu đồng/năm, có hộ đạt 4 tỷ đồng/năm.
Năm 2010, nắm bắt nhu cầu tiêu thụ lan tăng mạnh, anh Vưu Ngân Cường, ấp Cây Sộp, xã Tân An Hội, huyện Củ Chi, TP.HCM quyết định chuyển đổi gần 5.000 m2 đất trồng nhãn kém hiệu quả sang trồng lan Mokara. Năm đầu lợi nhuận không cao nhưng các năm sau lợi nhuận tăng đều.
Đặc biệt, khi tích lũy được nhiều kinh nghiệm trồng lan, anh có thể kích lan ra nhiều hoa, lựa chọn được giống mới, năng suất để trồng, cân đối lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật cho từng giai đoạn, đồng thời, khống chế được bệnh hại nên vụ mùa nào cũng thắng lợi. Nhờ đó, sản lượng xuất bán hàng năm đạt khoảng 100.000 cành, với giá dao động 5.000 – 6.000 đồng/cành, thu lợi nhuận từ 300 – 400 triệu đồng/năm, có năm được giá (8.000 đồng/cành) trúng mùa anh thu được 400 – 500 triệu đồng.
Từ năm 2007 đến nay, mô hình trồng lan Mokara thu hút rất nhiều nông hộ trên địa bàn huyện Củ Chi đầu tư phát triển (chủ yếu Mokara cắt cành) do đây là cây trồng giúp nông dân có kinh tế ổn định. Hiện diện tích trồng lan Mokara của huyện Củ Chi đã phát triển lên 126 ha với khoảng trên 100 hộ trồng, hiệu quả kinh tế đạt khoảng 700 triệu đồng/ha. Trong đó, nhiều vườn lan Mokara phát triển tốt, cho hiệu quả kinh tế cao như mô hình của Đặng Lê Thanh Huyền, xã An Nhơn Tây, huyện Củ Chi, lợi nhuận đạt 4 tỷ đồng/5 ha/năm; mô hình của Trần Ngọc
Tuyết, xã Hòa Phú, huyện Củ Chi lợi nhuận đạt 1,8 tỷ đồng/3 ha/năm. Nhiều hộ khác trồng lan không chỉ hoàn nợ cho ngân hàng mà còn có dư để tái đầu tư.
Do là cây trồng chủ lực của TP.HCM và huyện Củ Chi nên nhiều năm qua, lan Mokara được thành phố đầu tư rất lớn, trong đó bao gồm các chương trình khuyến nông như: tập huấn, tham quan, hội thảo (chuyển giao giống, quy trình chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh hại, tạo sản phẩm chất lượng và tăng hiệu quả kinh tế) trong đó, tập trung đầu tư xây dựng các mô hình trình diễn với các giống lan mới (vàng chanh, vàng nến, trắng chấm, đỏ, hồng và vàng mới) có nhiều hoa, nhiều chủng loại màu sắc đẹp, có khả năng thích nghi cao, phù hợp với điều kiện sản xuất và nhu cầu thị trường, giúp sản phẩm được tiêu thụ dễ dàng. Song song đó, đẩy mạnh chương trình cơ giới hóa (nhà lưới, hệ thống tưới phun sương tự động, máy phun thuốc) giúp tiết kiệm chi phí, công lao động, nâng cao thu nhập cho nông hộ.