Kể từ khi mượn được cuốn Orchids of Indochina do nhà ngoại giao và chuyên gia về hoa lan Gunnar Seidenfaden viết, tôi say mê tìm hiểu về những cây hoa lan của Việt nam.
Thanh Đạm Tuyết Ngọc (Coelogyne mooreana, Rolfe)
Vào khoảng năm 1992-1993 sách vở về hoa lan Việt Nam quá hiếm, Internet chưa mấy phổ thông, muốn có cuốn sách kể trên phải mua với gần 500 US$ tại Anh Quốc. Hỏi mượn, thư viện thành phố Yorba Linda không có. Người quản thủ nói nếu muốn, họ có thể mượn ở nơi khác, nhưng phải trả trước 18$ cước phí. Hơn một tuần sau điện thoại cho biết sách đã về và phải trả lại trong vòng một tháng. Muốn có cuốn sách quý trong tay, tôi không ngần ngại mang ngay ra tiệm chuyên sao chép lai các văn bản (photo copy).
Nhân viên họ không nhận làm việc này, nhưng chỉ cho tôi cách xử dụng máy để có thể in 2 trang vào một tờ giấy lớn khổ 11×17″. Tôi phải đứng hơn 2 giờ và phải trả mất gần 60$ mới sao được 502 trang sách. Mang tập giấy dầy cộm về tôi mất thêm gần 2 giờ để gấp giấy và đục lỗ sau đó bỏ vào 2 tập bìa cứng.
Khi mở sách ra, tình cờ tôi mở đúng trang 113 và 114 với hình vẽ cây lan Coelogyne moorena với giòng chữ phía dưới Distribution: Endemic(Đặc hữu). Tìm hiểu về cây lan này chỉ thấy những giòng chữ viết tắt cho biết là theo tài liệu của Kew 1907-1910, Ridley 1921, Gagnepain 1934, Guillamin 1958, Seidenfaden 1975, Ban & Huyen 1983, Averyanov 1988-1990. Cây lan này có đồng danh là Coelogyne psectranthavà Coelogyne sandriana. và những địa danh đã tìm thấy cây lan như: Langbian, Đà Lạt, Nha Trang, Quảng Trị.
Căn cứ vào những điều ghi trong cuốn sách, tôi lập một danh sách các cây lan Việt Nam và bắt đầu sưu tập những cây lan này. Cây lan Việt đầu tiên mua được là cây Dendrobium chrysotoxum, nhưng cây này các nước ở Á Châu đều có cả.
Khoảng năm 1999 tại hội lan quốc tế Fascination of Orchid International, tại South Coast Plaza một gian hàng của người Việt: anh chị Tấn, có bán một cây lan hoa trắng, trồng trong một chậu nhỏ 4″ (10 cm). Thấy cây lan lạ, tôi vội cầm lên xem, bảng tên ghi: Coel. mooreana “Westonbirt” FCC/RHS. Đúng là cây lan của quê hương rồi. Thấy giá tiền đề 40$, không ngần ngừ tôi móc tiền ra trả, nhưng chị Tấn nói:
Nếu là cây lan Việt nam, cháu xin tặng bác.
Tôi thể không nhận như vậy được và sau một hồi đưa đi, đẩy lại chị Tấn đành nhận số tiền nhưng có vẻ không vui:
Có bao nhiêu đâu mà bác phải quan tâm như vậy.
Tìm hiểu tôi mới biết cây lan Coelogyne mooreana có tên là Thanh Đạm Tuyết Ngọc, thường mọc ở Đà Lạt, Nha Trang và Quảng Trị, trên cao độ khoảng 1300 m. Cây lan này và cây Cymbidium sanderae là 2 cây đặc hữu của Việt Nam (xin xem chi tiết trong bài Wilhelm Micholitz) đã được Wilhelm Micholitz đã tìm thấy ở ngọn núi Langbian, gần Đà Lạt và gửi về cho Frederic Sander cho một thương gia chuyên về hoa lan tại St. Albans, Anh quốc. Cây lan này nở hoa và đoạt giải FCC/RHS (giải nhất của hội Cây Cảnh Hoàng Gia Anh Quốc) vào năm 1905. Frederick Sander đặt tên Coelogyne moorena để vinh danh F. W. Moore, Giám đốc vườn thảo mộc Glasnevin tại Dublin. Robert Rolfe là người đã mô tả cây lan này trên thông tri của viện thảo mộc Kew, Anh quốc vào năm 1907 với tên Coelogyne mooreana ‘Brockhurst’
Theo McAllen Orchid Society (MIOS Journal) HG Alexander một người trồng lan cho công tước George Holford, Westonbirt, Gloucestershire, Anh Quốc đã mang cây lan với tên Coelogyne mooreana “Westonbirst” dự thí và đoạt giải CCC/RHS vào năm 1908. Nhưng cũng có tin trên net năm 1908, cây lan Coelogyne moerana “Westonbirst” lại thắng giải FCC/ RHS. Không biết tin này có phải là một sự nhầm lẫn hay không?
Cây lan tôi mua được, chỉ nở hoa vào năm đó và chẳng bao giờ ra nụ, đơm bông, cũng không hề tăng truởng dù rằng đã 10 năm qua bởi vì Placentia, nơi tôi cư ngụ mùa hè quá nóng trung bình là 90-95°F (32-35°C). Củ già teo dần, củ mới càng ngày càng nhỏ, tuy vậy tôi vẫn còn cố giữ dù sao cũng là kỷ vật của cố hương.
Năm 2008 tại Hội Hoa Lan quốc tế Fascination of International Orchid Show, Costa Mesa có một gian hàng có bầy bán một số chậu lan Thanh Đạm Tuyết Ngoc Coelogyne mooreana “Brockhurst” FCC/RHS tuyệt đẹp với giá 80-90$ một chậu 6″ (12.5 cm) và 120-140$ một chậu 8″ (20 cm). Những chùm hoa trắng tinh như tuyết, nhị vàng cam tươi sáng, hương thơm phảng phất quen thuộc như mùi hoa dành dành (gardenia) thực là quyến rũ. Khi biết đó là cây lan đặc hữu của quê hương, các hội viên Hội hoa lan người Việt đua nhau mua cho bằng hết.
Có một điều đáng chú ý là các sách vở tài liệu đều nói là cây lan này chỉ nở hoa vào mùa Xuân và đầu mùa Hạ, nhưng tại quận Cam Hoa Kỳ những cây lan Thanh Đạm Tuyết Ngọc liên tiếp nở hoa từ tháng 2 dương lịch cho đến tháng 12 cuối năm nên luôn luôn có mặt trên bàn triển lãm hàng tháng và thường thắng giải Lan Việt Đẹp Nhất trong tháng, nhất lá cây lan của Lê kim Nhung và Nguyễn trần Ngữ trong các hình ảnh dưới đây:
AC Thường & Ngọc và cây lan đấu giá năm 2008 Cao ánh Tuyết 4-2008 Lê kim Nhung & Cao ánh Tuyết 2010 Nguyễn trần Ngữ 2-2010 Lê Kim Nhung 5-2010 Ngô Tạo 8-2010 Nguyễn thị Nguyệt 8-2010 Lê Kim Nhung 9-2010 Đặng hoàng Mai 10-2010 Lê kim Nhung 11-2010 Nguyễn Trần Ngữ 10-2010 Nguyễn Trần Ngữ 11-2010
Năm 2008 tôi cũng mua một cây Coelogyne “Brockhurst” FCC/RHS, bạn hàng để cho với giá đặc biệt 100$ một chậu 8″ (20 cm) với 7 cành hoa vừa mãn khai và 5 chùm hoa còn đương phong nhuỵ. Nhưng số phận cây lan này cũng như số phận hẩm hiu của cây Coelogyne mooreana “Westonbirst”. Sau khi hoa tàn nhị rữa, lá cây đốm vàng, đầu lá cháy nâu, củ teo lại, mầm mới vừa nẩy ra đã bị những trận cuồng phong Santa Ana đem theo hơi nóng từ sa mac Mojave đổ về, sau đó mùa hè đổ xuống vùng Placentia những cơn nóng như lửa đốt cho nên cây lan của tôi tuy không chết nhưng chẳng ra hoa.
Nhưng tôi chắc chắn rằng cây lan này sẽ tồn tại trên đất Hoa Kỳ, bởi vì ngoài những vườn lan thương mại còn có khá nhiều hội viên Hội Hoa Lan Việt Nam đã biết cách nuôi trồng. Những người này hiện cư ngụ tại các thành phố chung quanh vùng Tiểu Saigon, nơi này gần biển cho nên vào mùa hè khí hậu mát mẻ ít khi lên tới 90°F (32°F) rất khá thích hợp với loài lan như Coelogyne, Cymbidium vốn xuất xứ từ núi Lâm Viên (Langbian) tại miền cao nguyên Đà Lạt.
Bằng chứng là trong cuộc triển lãm Ocean Orchids Show tại Westminster Mall ngày 28-29-30 tháng 1-2011 vừa qua, cây Thanh Đạm Tuyết Ngọc Coelogyne moorenea của bà Nguyễn Trần Ngữ lại đoạt giải danh dự trong cuộc thi này.