Top 10 # Xem Nhiều Nhất Lan Hoàng Thảo Trường Sơn Mới Nhất 3/2023 # Top Like | Vitagrowthheight.com

Săn Lan Rừng Ở Nam Trường Sơn

Lan rừng An Lão – vùng rừng nguyên sinh ở Nam Trường Sơn thuộc tỉnh Bình Định – khá phong phú, có đến hàng trăm loài, trong đó có những loài rất quý hiếm. Mỗi loài lan rừng có thời điểm trổ hoa khác nhau. “Mùa hè, những nhánh lan rừng với đủ mọi hình thù, dáng vẻ thi nhau hé nụ, nở hoa, tỏa hương thơm ngát. Đây được xem là thời điểm tiêu thụ lan mạnh nhất, bởi người yêu lan rừng ra sức săn lùng”, anh Trần Quốc Việt, chủ một vườn lan rừng An Lão có tiếng cho biết.

Lan rừng được thu gom về ở một thôn nơi vùng cao Bình Định

Xuyên rừng săn lan

Một sớm chớm hè, tôi và anh Việt đã tìm gặp và theo chân hai anh thợ rừng người dân tộc H’rê ở xã An Dũng, huyện An Lão là Đinh Văn Đua, Đinh Văn Thanh lên rừng lấy lan.

Đồ nghề của chúng tôi khá đơn giản: Bao tải lớn, rựa và dao nhỏ, dây thừng, đinh mười phân, búa… Địa điểm hôm nay chúng tôi đến là cánh rừng già, nơi có con nước Kleng. Anh Đua cho biết đó là địa điểm thường có nhiều phong lan nhất. Bởi rừng này mọc nhiều cây chò, ké, tung, những loài cây mà lan rừng ưa thích.

“Lan rừng là loài thực vật sống gửi trên cây cổ thụ cao khoảng 30-40m. Muốn lấy được lan rừng đòi hỏi người hái phải leo trèo giỏi, không sợ độ cao”, thợ săn lan rừng Đinh Văn Đua chia sẻ. Người H’rê ở các bản làng An Lão lặn lội vào rừng, leo lên những cây cao ven suối thác hiểm trở, hái về những khóm lan rừng còn nguyên dáng vẻ rêu phong, xù xì vốn có. Nghề hái lan rừng thường được gọi đùa là hái lộc rừng, nhưng thấm đẫm những nhọc nhằn. Vượt qua những nguy hiểm đó, họ vẫn bám nghề, bám rừng.

Thợ săn lan chuyên nghiệp đang trèo lên cây cao để hái lan

Anh Thanh chia sẻ kiếm lan rừng rất khó, có khi đi cả ngày rừng mới được một khóm. Giờ nhiều người đi tìm quá nên lan rừng ngày càng ít đi. Vì vậy, ít khi các anh đi rừng chỉ để săn lan, vào mùa này thường kết hợp với việc hái mật ong rừng.

Là người am hiểu sâu sắc đặc điểm sinh sống của lan rừng An Lão, anh Việt cho biết: thủy tiên, thập hoa, tiểu bạch câu, đại bạch câu thường mọc trên cây chò, quế lan và hoàng thảo sẽ sống trên thân cây ké, kim điệp vàng thường có trên cây tung… Bởi những loài cây này mọc bên cạnh những con nước, vỏ sần sùi, độ ẩm cao, có nhiều kiến làm tổ.

Thợ leo hái lan rường

Trên đường đi, chúng tôi đã nghe được nhiều câu chuyện về những thanh niên mất mạng vì săn lan. Khi ngang qua con nước Xà Lung, anh Đua kể: Ở cánh rừng này, từ nhiều năm trước, có một khóm đại châu mọc trên thân cây ké cổ thụ, cao chót vót. Người H’rê đi qua nhiều lần, dù biết là hoa quý hiếm nhưng không ai dám lấy vì cảm thấy vô cùng nguy hiểm. Nhưng rồi, có hai người, ở hai thời điểm cách nhau vài năm, cũng không cưỡng lại được, đã phải mất mạng khi quyết trèo lên cây lấy hoa. Sau đó, người làng rất sợ, không ai dám dừng chân ở con nước Xà Lung để tìm lan nữa.

Sau hơn 3 giờ đi bộ ròng rã, xuyên qua những tán rừng rậm rạp, vượt những dốc núi cao hiểm trở, chúng tôi cũng đến được con nước Kleng và bắt đầu công việc ngước mắt lên những thân cây cổ thụ tìm kiếm. Sau một thời gian lần tìm, chúng tôi cũng phát hiện được có lan. Quả thực, hôm nay chúng tôi đã may mắn. Sau đó là công việc khó khăn nhất, leo lên cây để gỡ lan.

Cả ngày rừng hôm ấy, chúng tôi hái được khá nhiều thủy tiên và quế lan, đặc biệt có một khóm to quế nhăn (quế lan đột biến) mà nghe bảo giá cả cũng không đến nỗi. Theo lời anh Việt, mỗi kg thủy tiên, quế lướt giá từ 100 – 200 nghìn đồng, quế nhăn khoảng 600 – 800 nghìn đồng.

Lan rừng đi muôn phương

Cách đây ít năm, mỗi kg lan rừng các loại có giá 100 – 150 nghìn đồng và trồng lan chưa thành phong trào như bây giờ. Lan đẹp, hiếm cũng nhiều hơn. Một số loại lan rừng An Lão so với lan cùng loại ở những vùng miền khác có nhiều điểm khác biệt đã thu hút người chơi lan từ khắp nơi trong và ngoài tỉnh.

Anh Việt chia sẻ: “Lan từ rừng xuống không nhiều so với trước. Giá lấy lại khá cao, nhưng được cái lan đẹp, nhánh to. Mình bán theo ký là lan rẻ tiền hơn, còn bán bó, bán chậu thường những loại đắt tiền”. Chỉ tay vào nhánh lan kim điệp đang hé nụ, anh cho biết loại này tương đối hiếm và khó nuôi trồng nên khách quen đến đặt hàng từ lâu rồi mà giờ mới có được một ít.

Nhiều người thường lên các bản làng của người H’rê, Ba Na để mua lan từ những thợ rừng nơi đây. Hoặc họ có thể đem hình ảnh của những loài lan yêu thích đặt hàng các thợ rừng săn cho mình. Mùa hè là mùa trổ hoa của kim điệp, thủy tiên, thập hoa, nhất điểm hồng… Lan được rất nhiều người yêu thích, sưu tầm, khiến nhiều loại lan lọt vào hàng hiếm như kim điệp, dã hạc, hạc vỹ, tam bảo sắc…

Ở An Lão có rất nhiều người chơi lan. Hầu như nhà nào cũng có vài chục giò lan làm cảnh. Anh Lỡ Ngọc Sơn là một giáo viên nhưng đam mê chơi lan và có những hiểu biết sâu sắc về loài hoa này. Anh cho biết đặc điểm lan rừng An Lão thân khỏe, cứng cáp, dáng vẻ “ngẫu hứng”, chuỗi hoa dài, tròn đều, sắc hoa tươi, hương dịu nhẹ, thơm dai, lâu tàn nên được người chơi ưa chuộng.

Anh Việt kể tháng 3 vừa rồi, một thanh niên H’rê săn được nhánh lan đại châu (còn gọi là nghinh xuân, ngọc điểm) hiếm hoi còn sót lại nơi núi rừng An Lão, với giá trên dưới 5 triệu đồng hoặc đếm lá để tính tiền. Từ thú chơi tao nhã nhiều năm nay, anh đã trồng được khoảng gần 2.000 giò lan các loại. Từ chơi chuyển qua kinh doanh, lan của anh hiện đã xuất bán trên khắp cả nước. Người mua có thể đến mua trực tiếp tại vườn hoặc đặt mua online. Dù sở hữu lượng lan lớn và phong phú về chủng loại như vậy nhưng hàng ngày anh vẫn có mặt tại các bản làng, với hy vọng sẽ bổ sung thêm loài lan mới. Hoặc anh thường theo chân những thợ rừng người H’rê, Ba Na xuyên rừng săn lan.

Anh Việt cho biết thêm một số loài lan gần như không còn ở rừng An Lão, dù khách mua trả giá rất cao, anh cũng không bán. Vì anh muốn giữ lại nguồn gen quý và đang mày mò tìm mọi cách tự nhân giống theo phương pháp thủ công.

Lan rừng An Lão có rất nhiều loại như thủy tiên, đại ý thảo, quế lan, thập hoa, hạc vỹ, kim điệp… Mỗi loại hoa ở từng vùng đất do ảnh hưởng khí hậu có sự khác biệt về cấu tạo, loại ra chùm hoa dày, loại thưa hoa, loại hoa to, nhỏ, cánh dày, mỏng, màu đậm, nhạt khác nhau. Theo kinh nghiệm của người chơi, giống nào đột biến về màu sắc thì đó là hàng đặc biệt quý hiếm. Ví dụ như đại châu thường tím trắng nhưng có nhành ra trắng phớt hồng hoặc toàn màu trắng; đuôi cáo màu tím hồng cũng ra vòi hoa trắng tuyền; quế lan lá láng mịn chuyển sang nhăn, nổi gân…

Người am hiểu về lan, dựa vào thân, lá, màu sắc, cánh hoa, mùi hương cũng đánh giá được đâu là lan rừng, đâu là lan cấy mô. Và thường mùa lan tháng 3 tháng 4, từ các mối lái quen biết ở nhiều tỉnh họ đặt hàng và săn lan, làm dày thêm bộ sưu tập lan rừng của mình. May mắn sở hữu được những giò lan này coi như thỏa niềm đam mê.

Trong nhịp sống hiện đại tất bật, người ta thường tìm về với thiên nhiên, tự thưởng cho mình những phút giây thư giãn. Vì vậy, một không gian tươi sắc, thoảng nhẹ hương thơm của nhành lan, dễ khiến lòng người thư thái.

Phương Thảo

Lan Hoàng Thảo Nhất Điểm Hoàng

// LAN HOÀNG THẢO NHẤT ĐIỂM HOÀNG Dendrobium heterocarpum Lindl. 1830. Dendrobium heterocarpum var. chloranthum Gagnep. 1951.

Họ: Phong lan Orchidaceae

Bộ: Phong lan Orchidales

Đặc điểm nhận dạng:

Lan phụ sinh. Thân dài 20 – 40 cm, dầy khoảng 1 cm. Lá hình mác, đỉnh tù, dài 10 – 13 cm, rộng 3 – 3,5 cm. Cụm hoa bên, 2 – 3 hoa, mọc trên thân không còn lá. Lá bắc hình bầu dục, dài khoảng 0,4 cm. Hoa màu vàng nhạt, đường kính 4 – 4,5 cm, cuống hoa và bầu dài 2,5 – 3 cm. Các lá đài hình mác, đỉnh hơi nhọn, 2,6 – 2,8 cm, rộng 0,8 – 1 cm. Cằm dài 0,8 – 1 cm, đỉnh tù. Cánh hoa hình mác, đỉnh nhọn, dài 2,6 – 2,8 cm, rộng 1 – 1,2 cm. Môi hình mác rộng, đỉnh nhọn, dài 2,8 – 3 cm, rộng 1,4 – 1,5 cm, mép xẻ răng cưa nhỏ, ở gốc có vạch chéo màu đỏ, ở giữa có lông mịn màu đỏ dọc gân. Cột màu trắng, cao khoảng 0,4 cm; răng cột hơi nhọn. Nắp hình mũ, bề mặt phủ nhú mịn. Sinh học và sinh thái: Ra hoa vào tháng 4 – 6. Tái sinh bằng chồi và hạt. Mọc bám trên các cây gỗ lớn trong rừng thưa, ở độ cao 600 – 1500 m.

Phân bố:

Trong nước: Kontum, Lâm Đồng (Đà Lạt, Lạc Dương, Lang Bian, Bì Đúp, Đa Nhim). Thế giới: Ấn Độ, Srilanka, Nêpan, Butan, Trung Quốc, Mianma, Thái Lan, Lào, Malaixia, , Inđônêxia. Giá trị: Cây làm cảnh vì có hoa to, thơm và đẹp, màu vàng nhạt, môi màu cam với sọc đỏ.

Tình trạng:

Loài có khu phân bố và nơi cư trú chia cắt. Hiện đã bị suy giảm nghiêm trọng do khai thác để trồng, bán làm cây cảnh và chặt phá rừng hủy hoại nơi cư trú.

Phân hạng:

EN B1+2e+3d.

Biện pháp bảo vệ:

Đề nghị xây dựng khu bảo tồn và nhân giống Lan trong các vườn quốc gia và di chuyển một lượng cây sống có thể của loài này về khu bảo tồn và chăm sóc.

Tài liệu dẫn:

Sách đỏ Việt Nam năm 2007 – phần thực vật – trang 435.

2229 lượt xem Lam Bảo Thạch · 9 tháng trước

Lan Hoàng Thảo Trầm Tím

Lan hoàng thảo trầm tím – Dendrobium Nestor

Hoàng thảo trầm tím là một giống lan lai tạo giữa cây Dendrobium anosmum – (còn gọi là giả hạc hay Phi điệp) và cây Dendrobium parishii -( Song hồng, Hoàng thảo tím) được Veitch cầu chứng vào năm 1893 với tên Dendrobium Nestor.

Hiện tại thì trầm tím ở các khu rừng có lan tự nhiên ở Việt Nam có lẽ rất hiếm hoặc không có

Video phân biệt trầm tím lào và trầm tím Myanmar

Cách nhận biết hoàng thảo trầm tím:

Thân cây dài khoảng 50cm trở lại, thân thường mập nù, nhìn rất thích mắt. Ra hoa màu tím, hoa giống hoàng thảo phi điệp tím đến trên 90% nhưng nhỏ hơn hoa phi điệp, và mùa hoa cũng khác phi điệp.

Hoàng thảo trầm tím có thân dựng do nó mập nù và ngắn, nên rất thích hợp khi được trồng với tư thế thẳng lên trời.

Video cách ươm ki trầm tím của lan rừng Thủy Kai

Thừa hưởng đặc tính di truyền của cây cha và cây mẹ cho nên rất thơm, nhưng mùi thơm nhẹ nhàng dễ chịu như hương trầm chứ không quá hắc.

Cách trồngvà chăm sóc lan rừng trầm tím

Cũng khá giống với phi điệp tím, lan trầm tím trồng khá dễ, chủ yếu được giữ ẩm và cũng được chăm sóc như các loại lan khác. Vào mùa thu và mùa đông, việc bón phân ít đi và lan phải khô giữa các lần tưới nước cho đến khi lá rụng và sau đó lưu giữ rất khô, có thể cắt nước một thời gian.

Với những nơi có khí hậu khắc nghiệt hơn những nơi tự nhiên của cây lan thì việc chăm sóc trầm tím phải được tốt hơn (Ví dụ như Hà Nội, Hưng Yên, Thái Nguyên… hay một số vùng lân cận).

Chúng ta nên sử dụng các loại phân thuốc để hỗ trợ trong việc trồng và chăm sóc lan rừng nói chung và trầm tím nói riêng.

Bài viết tham khảo về cách trồng và chăm sóc Trầm tím: Ở ĐÂY

Được viết bởi Nông Triệu Thủy – Từ chúng tôi (Lan rừng Thủy Kai)

Cách Trồng Lan Hoàng Thảo

Cách trồng / chăm sóc

Thân mềm (Den-Nobile)

Yêu cầu nước Hoa phong lan HT thân mềm nên được tưới vào buổi sáng. Lịch tưới phụ thuộc vào mùa và chu kỳ tăng trưởng của cây. Khi cây đang phát triển mạnh, bạn nên tưới mỗi tuần một đến ba lần. Vào mùa thu, bạn nên giảm bớt lịch tưới nước để giúp cây phát triển trồi. Vào mùa đông, bạn nên chỉ nên tưới nước khi thấy rằng các giả hành đang bắt đầu teo lại vì đây là một dấu hiệu cho thấy cây không đủ nước.

Ánh sáng Lan thân mềm, và các giống lai, phát triển tốt nhất với cường độ ánh sáng cao. Các địa điểm lý tưởng cho một giò hoàng thảo là nơi tiếp xúc với ánh sáng phía Nam. Hãy nhớ không để cho phong lan nhận được ánh sáng mặt trời trực tiếp bởi vì điều này có thể làm lá cây bị cháy nắng.

Nhiệt độ Hoàng thảo thân mềm ưa mát hơn so với thân cứng , và chúng cũng cần nhiệt độ thấp hơn. Nhiệt độ ban đêm 40 ° F đến 50 ° F. Nhiệt độ không nên vượt lên trên 90 ° F (32.2 ° C) hoặc giảm xuống dưới 37 ° F đến 39 ° F (2.8 ° C đến 3,9 ° C).

Độ ẩm Chúng phát triển tốt nhất với độ ẩm 50-60%. Không nên để độ ẩm quá thấp tránh việc cây bị bệnh

Thay chậu Hoàng thảo thân mềm nên được thay chậu mỗi năm một lần, sau khi cây ra hoa. Trước khi thay chậu luôn cắt tỉa bớt rễ bị hư hỏng.

Thân cứng (Den-Phal)

Yêu cầu nước (Den-Phal) Hoa lan hoàn thảo cứng nên tưới vào buổi sáng. Lịch trình tưới cho một Den-Phal rất có thể phụ thuộc vào loại chậu trồng cây, nhiệt độ, và cũng là thời điểm trong năm. Quy tắc là cây cần tưới nước thường xuyên hơn trong những tháng ấm hơn và ít nước hơn trong những tháng lạnh.

Ánh sáng (Den-Phal) Lan hoàng thảo thân cứng phát triển mạnh với điều kiện ánh sáng trung bình. Nơi lý tưởng nhất cho chúng là phía đông

Nhiệt độ (Den-Phal) Nhiệt độ cho hoa lan Den-Phal là : ban ngày 75 ° F đến 85 ° F (23.8 ° C đến 29,4 ° C) và nhiệt độ ban đêm từ 60 ° F đến 65 ° F (15.6 ° C đến 18,3 ° C). Hãy nhớ rằng, với nhiệt độ cao hơn, bạn sẽ phải duy trì điều kiện độ ẩm cao, cũng như cần tưới nước thường xuyên hơn.

Độ ẩm (Den-Phal) Độ ẩm lý tưởng để trồng Dendrobium Phalaenopsis là 50-60%. Nếu bạn cần tăng độ ẩm xung quanh cây lan của bạn môi trường ngày càng tăng, bạn có thể đặt phong lan gần máy tạo ẩm, hoặc máy phun sương. Hãy nhớ phong lan hoàng thảo cần gió, nếu không bạn cần có quạt để không khí lưu thông.

Thay chậu Nếu trồng chậu, bạn nên thay chậu 2 năm/ lần. Trước khi thay chậu, bạn nên loại bỏ các rễ hư hỏng, ngọn già. Den-Phals có xu hướng phát triển tốt hơn trong chậu kích thước nhỏ.

Đó chỉ là các vấn đề cơ bản. Chúng tôi sẽ tiếp tục có những hướng dẫn chi tiết cho mỗi loại trong các loạt bài sau ! 🙂