post on 2019/02/18 by Admin
Đặc điểm cây linh sam bonsai
Cây linh sam có tên khoa học là Antidesma acidum, hay còn gọi là linh sam núi. Cây có nguồn gốc từ châu Á, thường mọc hoang trong các cách rừng, khe núi, nơi có khí hậu nhiệt đới ẩm nên chúng còn có thể sinh trưởng tại các bờ sông, thác nước. Trong tự nhiên cây có thể cao hơn 10m, gỗ đẹp, rễ to, bám đất rất khỏe, có sức sống dồi dào và chịu được sự tấn công của mưa bão, sự thay đổi khí hậu.
Các loại cây linh sam phổ biến
Nó còn được gọi là cây ba gai vì trên cành cây có nhiều gai nhọn màu xanh, lá nhỏ hình trái xoan, có màu xanh bóng ở mặt trên, rất phù hợp để làm cây bonsai. Ngoài ra hoa của cây linh sam có màu tím, thường mọc thành từng chùm nhỏ ở đầu cành, mùa hoa nở cả cây đầy một sắc tím trông rất rực rỡ, làm phong phú thêm nơi trưng bày. Ngoài dùng để làm cảnh ra, linh sam còn có rất nhiều công dụng phổ biến như là làm thuốc trị bệnh.
Linh sam 86: đây là giống linh sam hầu như những người chơi cây đều có, linh sam 86 đột biến từ linh sam Sông Hinh, lá nhỏ đầy đặn, màu xanh thẫm và rất bóng, nhìn rất bắt mắt. Nổi bật là loại linh sam 86 lá rí, nó hội tụ đủ các yếu tố để làm một cây bonsai, dễ uốn, ít chết cành, hoa nở rộ.
Linh sam hạt gạo Tân Phú: đúng như tên của nó, lá của linh sam Tân Phú chỉ bé như hạt gạo, lá tròn nhỏ, màu xanh bóng bẩy, rất được ưa chuộng trồng ở các sân vườn và tạo thế bonsai theo phong cách cổ thụ, đặc biệt là nó có rất ít gai.
Cách nhân giống cây linh sam bonsai
Có 2 cách phổ biến để nhân giống linh sam là giâm cành và chiết cành, hầu như được sử dụng được cho các loại cây cảnh khác.
Giâm cành: chúng ta chọn 1 nhánh cây linh sanh, giữ lại phần đốt chắc chắn và cắt bỏ các nhánh nhỏ xung quanh. Sau đó dùng kéo cắt từng đoạn 10cm với cành chúng ta đã giữ lại, trộn đất cát với xơ dừa vào chậu, chúng ta cắm khoảng một nửa phần nhánh mình đã cắt vào phần đất trồng rồi sử dụng tay ém nhẹ phần gốc và tiếp tục với các nhánh khác, tưới thêm nước vào đất để đất ôm sát vào các nhánh giâm, nếu khôn ôm sát thì cây sẽ không thể tiếp xúc nhiều với đất và các chất dinh dưỡng trong đất. Sau khi tưới nước chúng ta nên để cây ở nơi có ánh nắng nhẹ, không nên để trực tiếp dưới nắng, sẽ làm phần đất bị nóng dễ làm cây chết, hoặc có thể dùng bao nilon trùm lại, nhưng lưu ý phải đục lỗ nhỏ phía trên để bên trong không bị hầm.
Chiết cành: chúng ta sử dụng dao khoanh một vòng để lớp vỏ khoảng 2cm ngoài cành cây, hoặc có thể sử dụng kẹp điện để tách vỏ nhanh hơn, dùng dao cạo đi lớp biểu bì da còn sót lại bên trong. Sau đó chúng ta đợi ít nhất 1 tuần để nhựa cây chảy ra và khô lại, trong khoảng thời gian đó chúng ta tiến hành trộn xơ dừa, đất, tro vào một bọc trong suốt, dùng dao rạch 1 đường trên bọc và kẹp vào phần chúng ta tách vỏ, kĩ hơn thì dùng bọc đen bao lại xung quanh để đất không bị nóng và quấn kẽm xung quanh bọc để không bị động khi rễ phát triển. Khi mọc rễ sẽ có màu trắng, chúng ta đợi đến khi rễ có màu ngà vàng là có thể đem ra chậu trồng. Thời gian đầu nên để cây trong mát để tránh các khí hậu khắc nghiệt, đến khi lá trên cây già thì có thể trồng bên ngoài.
Cách trồng và chăm sóc cây linh sam
Trồng phôi linh sam tùy thuộc rất nhiều yếu tố như thời tiết, thời gian phôi linh sam được khai thác, cây vừa được khai thác đem về trồng liền thì sẽ sống 100%, cây ít rễ hoặc nhiều rễ. Nên trồng sau Tết đến đầu mùa mưa, từ mùa mưa trở đi thì tỉ lệ sống khá thấp do thời tiết lạnh. Chúng ta có nhiều lựa chọn như trồng trong chậu, trên nền đất,…
Đất trồng tốt nhất là cát hạt lớn(cát xây dựng) sạch, không lẫn tạp chất. Chúng ta bỏ cát vào khoảng 1/3 chậu rồi đặt phôi cây vào, lưu ý là nên bôi keo chống khô, mất nước lên mặt cắt, tiếp đó lại bỏ cát lấp cả phần rễ, nén chặt phần đất để cây không bị lung lay dẫn đến động vào rễ non sẽ chết cây. Lần đầu tưới nước nên tưới nhiều, mỗi ngày tưới 1 lần, để cây ngoài nắng lúc sáng sớm Nếu phôi khỏe thì sau 15 ngày sẽ nảy mầm, cây yếu sẽ cỡ 1 tháng, cây ngủ đông sẽ đến 3 – 4 tháng.
Nếu bạn lo lắng cây bị úng rễ khi trồng trong chậu thì có thể trồng ra đất, đắp một ụ đất nhỏ trên nền gạch hoặc xi măng, nếu là nền đất thì nên lấy vỏ bao xi măng lót ở dưới và cắt lỗ để thoát nước. Với cách trồng này bạn có thể tưới nước thoải mái mà không lo bị úng rễ, thối rễ, nhưng vẫn nên chú ý không gian là nơi mát mẻ và không có ánh nắng gay gắt.
Chúng ta không cần phải khai thác cây linh sam mới trồng được mà có thể đi mua ở ngoài sẵn, nó sẽ có hình dạng một bầu đất ở phía dưới. Chỉ cần đem bầu đất bỏ vào chậu hoặc để các ô gạch vây lại rồi đặt vào trong, lấp cát đầy hết bầu đất là được. Tưới nước ngày 1 lần và phát đọt 3 lần rồi mới tập dần đưa ra nắng.
Số cây bị chết đa số là do bội thực mà chết, tâm lý người chăm sóc cây luôn sợ cây đói nên bón lượng phân quá nhiều mà không theo liều lượng, cho nên tỉ lệ phân được bón cho cây tùy điều kiện rất quan trọng. Nếu được bón phân đúng cách, cây sẽ ra hoa rất đẹp. Thành phần phân bón thường gồm N, P, K, cần cho cành lá, rễ, hoa, tùy vào mục đích mà người dùng có thể chia tỉ lệ khác nhau cho cây:
– 5-10 gam NPK 20-10-10. – 20-30 gam Compomix.
Nên chú ý các điều kiện thời tiết khi bón phân cho cây, bón phân nhiều vào mùa hè vì cây sinh trưởng rất nhanh, vào mùa thu cây sinh trưởng chậm nên bón ít và không cần vào mùa đông. Bón phân vào lúc chiều tối, không nên vào buổi trưa nắng nóng làm phân nóng có thể gây hại cho cây.
Cây linh sam có sức sống dồi dào và phát triển khỏe nên dễ trồng, khi trồng trong chậu sẽ rất hạn chế sự phát triển của rễ, nên 3 – 4 tháng cần phải thay đất một lần, rễ phát triển nhiều sẽ làm bít lỗ đáy chậu ngăn chặn sự thoát nước làm cây bị úng rễ. Khi thay đất, chúng ta cần loại bỏ cắt tỉa các chùm rễ to, nhiều và dài, chỉ chừa lại rễ non rồi bón phân mới để cây có thể thông thoáng và phát triển tiếp.
5 loại cây linh sam đẹp nhất
Vào giữa năm ngoái đã có một cây linh sam có giá trị 500 triệu đồng đoạt giải nhất cuộc thi “Hội thi hoa lan, bonsai”, chủ sở hữu của nó chính là danh hài Hoài linh quen thuộc. Cây linh sam này có dáng nghiêng đổ sang 1 bên, tuy nhiên nó lại rất cứng cáp mang ý nghĩa dù có gặp trắc trở thì vẫn vươn lên mạnh mẽ. Theo tính thẩm mĩ, chúng ta còn thấy cây còn có dáng vẻ mềm mại như một thiếu nữ duyên dáng, nhã nhặn.
Tiếp theo là cây linh sam có dáng vẻ “cực độc” của anh Lê Tiến Thịnh, được hội bonsai Việt Nam bình chọn trong top 10 và nằm trong top 3 của hội bonsai Bình Định, hội tụ đủ các yếu tố cổ, kì, văn, mỹ, cây được các nghệ nhân khác trả giá lên đến 350 triệu. Cây cũng có tư thế nghiêng sang một bên, thêm cả cây được trồng trên thân gỗ lũa chịu nước rất tốt, làm cho cây thêm phần cổ kính. Chủ nhân của cây linh sam này đã tốn rất nhiều công sức mà tiền bạc để chăm sóc và tạo dáng trên gỗ lũa, nhìn rất tự nhiên.
Có kiểu dáng độc đáo hơn chính là cây linh sam của anh Ngọc Sơn, tỉnh Hà Nam, được triển lãm tại trung tâm TP Hải Phòng trong khuôn khổ Lễ hội Hoa phượng đỏ Hải Phòng năm 2017. Cây có kiểu dáng huyền, có gốc trong chậu nhưng thân cây trườn ra ngoài và đổ xuống như dòng thác. Ý nghĩa của nó giống như cây mọc trên vách núi cheo leo nhưng vẫn có lực bám rất tốt, chịu đựng các điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhưng vẫn vượt qua và vươn lên, ngoài ra ta còn thấy lấp ló những bông hoa tím tạo thêm phần sức sống tươi mới, mềm mại hơn cho cây.
Đây là tác phẩm đã ra hoa của ông Thắng ‘đổ’ (quận Tân Phú, TPHCM), với lối yêu thích nuôi dưỡng những gốc cây linh sam thành dạng cây bonsai, ông đã thu mua rất nhiều gốc cây để về uốn nắn, tạo hình. Cây linh sam này cũng có thế nghiêng sang một bên, thể hiện rõ phần gốc rễ to khỏe, nhìn rất đầy đặn, chắc chắn. Những bông hoa tím sẫm nở rộ rực rỡ, chi chít bao quanh các ngọn cây, lá cây được tỉa rất cẩn thận và gọn gàng khiên mọi người nhìn vào cảm thấy rất trọn vẹn.
Cuối cùng, chúng ta có cây linh sam thác đổ được mang đi trưng bày ở Hội Hoa Xuân 2013 của Nhà vườn Cổ Mai Hoa. Cây linh sam nhỏ nhắn với màu hoa tím đậm đà yêu thương của mình. Dáng huyền nhìn như dấu ngã, đổ xuống khúc đầu sau đó lại vươn lên thể hiện sự mềm mại, dịu dàng, sự tươi trẻ song tiềm ẩn một sức sống mãnh liệt của mình. Ngoài thiên nhiên những cây linh sam dáng huyền thường sống trong những điều kiện khí hậu khắc nghiệt nhất (cây ở sườn núi, vách đá…) nhưng cây vẫn có thể sống, gốc cây bám rất chặt vào đá, treo leo giữa không trung. Ngọn cây có xu hướng ngóc lên kể cả trồng trong chậu, ngọn cây vươn lên tạo hình ảnh của sự vượt khó luôn luôn kiên trì nhẫn nại vượt qua phong ba bão táp hướng tới tương lai tiếp tục tiến tới phát triển mạnh mẽ.
Keyword: Cây linh sam bonsai