Hoa phong lan là biểu tượng cho vẻ đẹp và sự quý phái. Thiết kế vườn lan, giàn phong lan trên sân thượng luôn được người chơi lan quan tâm. Bởi, chính cách thiết kế, sắp đặt các giò phong lan mang lại không gian xanh, đẹp, cũng như không gian thưởng hoa của mọi người trong gia đình. Vậy, thiết kế vườn lan, giàn phong lan trên sân thượng như thế nào? Hãy cùng tìm hiểu những thông tin dưới đây.
I. Cách thiết kế vườn lan trên sân thượng
Có rất nhiều mẫu hình lý tưởng về vườn lan cho người chơi lan, nhưng tùy vào sở tích, cũng như không gian sinh sống mà người chơi lan có thể tự thiết kế vườn lan phù hợp.
Tuy nhiên cần chú ý: Phong lan vốn là loài cây ưa ẩm, chúng phát triển tốt trong điều kiện đầy đủ ánh sáng nhưng không sống tốt nếu tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng. Phong lan thích sống trong bóng râm, không tiếp xúc quá nhiều với gió. Mà sân thượng thì bao giờ cũng nhiều nắng, nhiều gió và không có bóng râm. Vì thế để trồng phong lan trên sân thượng bạn cần đầu tư rất nhiều. Cụ thể:
Bước 1. Xây dựng mái che trên sân thượng
a. Công dụng của mái che: Như đã nói, ánh nắng chính là một trong những yếu tố tác động trực tiếp đến lan. Bạn cần xác định hướng mặt trời chiếu trực tiếp xuống sân thượng để xây mái che theo hướng đó cho phù hợp.
Vì nếu che hết không gian sân thượng, lan sẽ không tiếp xúc được với ánh nắng, cây vẫn lớn nhưng rất còi cọt và lá không xanh tươi. Nhưng nếu không che đúng hướng nắng sẽ làm lan mất độ ẩm, nhanh khô, thậm chí bị đốt cháy.
Mái che còn giúp lan tránh hướng gió, không bị gió thổi mạnh làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng.
b. Lựa chọn và thiết kế mái che: Tất cả các loại lan đều chỉ chịu được nắng trong khoảng từ 30 – 50%, vì vậy mái che nên thiết kế theo dạng hai lớp. Lớp lưới che phía ngoài phải có độ che nắng từ 60 – 70%. Lớp trong bằng màng PE cách lớp ngoài 20cm.
Phần lưới PE này tốt nhất nên thiết kế theo dạng có thể gỡ ra vào mùa đông, khi ánh sáng xuống thấp.
c. Loại mái che tốt nhất: Nếu có điều kiện kinh tế tốt, bạn có thể lựa chọn mái che sân thượng chất lượng cao như mái che Gold Bell, Anet,…Mỗi khổ 2m thường có giá từ 22.000 – 30.000đ. Độ bền của sản phẩm cao, từ 4 – 5 năm.
* Lưu ý: Phải dùng mái che dạng lưới, chứ không dùng tôn hay bạt để che, vì sẽ chắn hết ánh nắng, đồng thời khiến lan không được thoáng khí.
Bước 2. Thiết kế hệ thống làm mát, cung cấp nước cho lan
Nếu trồng ít phong lan, bạn có thể tưới nước cho lan bằng bình xịt. Tuy nhiên, khi trồng lan trên sân thượng, ngoài bình xịt tưới lan bạn cần lắp đặt một hệ thống vòi phun sương xung quanh, ngay dưới mái che để làm mát cho lan. Vì nhiệt độ trên sân thượng bao giờ cũng rất cao.
Hoặc nếu không, bạn có thể dùng các dụng cụ chứa nước để trên sân thượng, quá trình nước từ các chậu bốc hơi sẽ giúp cân bằng nhiệt độ cho vườn lan.
Bước 3. Thiết kế hệ thống giàn treo lan
Với hệ thống giàn treo của lan, tùy theo địa hình sân thượng và sở thích cá nhân bạn có thể thiết kế gian lan theo nhiều cách.
Giàn treo lan nên làm bằng thép không gỉ, hình khối hộp vuông 3 – 5 cm, dày trên 1.5ly. Còn phần trụ của giò lan nên làm hình trụ đứng tròn.
Nên thiết kế giàn lan theo hai tầng, tầng phía trên dành cho những dòng lan ưa nắng. Tầng thấp hơn dành cho các dòng lan thân thòng. Còn với các loại lan khác nên thiết kế giàn treo xung quanh, sát tường để chừa khoảng trống đi lại trong sân thượng. Đặc biệt ưu tiên cho không gian thông thoáng.
II. Lưu ý khi thiết kế vườn lan và trồng lan trên sân thượng
Trồng lan trên sân thượng cần chăm sóc rất kỳ công, nên chỉ phù hợp cho những người chơi lan mà yêu lan. Và chỉ phù hợp với những giò phong lan đã lớn, phát triển khỏe mạnh.
Thiết kế xong vườn lan, bạn cần đầu tư chăm sóc lan thật kĩ và chăm sóc tốt hơn so với lan trồng ở phía dưới. Cần thường xuyên chú ý đến chế độ nước tưới của lan.
Nên tham khảo thêm hình ảnh các mô hình trồng lan trên sân thượng để có cách sắp xế, thiết kế vườn lan tối ưu nhất.
>> Mời mọi người tham khảo thêm bài viết: