Nhiều người mong muốn trồng hoa phong lan rừng vì vẻ đẹp hoang dã, tự nhiên của nó. Thế nhưng đến khi mua về lại gặp phải rất nhiều vấn đề như: hoa bị héo, không phát triển… Cùng tham khảo cách trồng và chăm sóc hoa phong lan rừng qua bài viết dưới đây.
1.Đặc điểm của hoa phong lan rừng
Hoa phong lan có nguồn gốc từ các khu rừng nhiệt đới ở Nam Mỹ và dãy Himalaya thuộc Châu Á. Nhưng thực tế thì có thể thấy được là loài hoa này mọc ở khắp Năm Châu. Nó có một sức sống mạnh mẽ và phi thường. Cây hoa phong lan có dạng thân bám, nó hút các chất dinh dưỡng từ cây chủ để từ đó sinh sôi nảy nở. Những bông hoa này có dạng chùm rủ xuống trông rất đẹp.
Đặc biệt, mùi hương của nó không giống với những loài hoa khác mà nó có mùi rất lạ, mang phong thái của tầng lớp quý tộc. Đặc biệt, hoa phong lan rừng cũng là loài hoa đa dạng về màu sắc, mỗi màu sắc đó lại mang một vẻ đẹp riêng và cũng được trồng phổ biến ở nhiều nơi nên đây cũng là một trong những cây hoa cảnh phổ biến và được ưa chuộng.
2. Cách trồng lan rừng
Khác với các loại lan được lai tạo bởi con người, lan rừng cần có một chế độ chăm sóc hợp lý để được thuần dưỡng và từ đó phát triển tươi tốt, nhanh chóng cho hoa khi được đưa về môi trường sống gần gũi dưới bàn tay chăm sóc của con người.
Dưới đây là cách trồng hoa phong lan rừng mà bạn có thể tham khảo:
Bước 1: Chọn giá thể để trồng lan rừng
Giá thể là yếu tố đặc biệt quan trọng khi trồng bất cứ loài hoa phong lan nào, với lan rừng cũng vậy. Đối với loài lan có nguồn gốc hoang dã này thì 2 loại giá thể phù hợp nhất đó chính là gỗ và dớn bởi rất gần gũi với môi trường sống tự nhiên trong đại ngàn.
Dớn: là giá thể dạng sợ được lấy từ bộ phận thân và rễ của cây dương xỉ – một loại cây mọc nhiều ở các vùng thung lũng núi đồi Đà Lạt. Ưu điểm của loại dớn này là hút ẩm tốt nhưng không bao giờ bị đóng rêu.
Có 2 loại dớn:
Dớn sợi: là loại dớn già, hóa mộc. Loại này rất ưa chuộng dùng để trồng lan ở các thành phố. Dớn vụn: sau khi đã lấy hết phần dớn sợi, thứ còn lại chính là dớn vụn. Loại dớn này cũng có ưu điểm là hút ẩm cao, tạo được độ ẩm nhất định thuận lợi cho sự phát triển của rễ. Gỗ: phổ biến nhất chính là gỗ của các cây vú sữa, nhãn… hoặc những cây to, lâu năm. Ưu điểm của giá thể bằng gỗ chính là tạo sự thông thoáng để rễ cây lan phát triển mạnh, mang lại môi trường sống gần gũi như khi lan còn trong rừng, tạo vẻ đẹp tự nhiên. Với giá thể bằng gỗ thì hoặc là một cành cây, hoặc là trồng lan trực tiếp trên thân cây. Trước khi sử dụng để trồng lan thì tại vị trí treo lan, gỗ cần được làm sạch, diệt khuẩn và nấm mốc, sâu bệnh cũng như tưới ẩm. Nếu trồng trên cây gỗ thì nên chọn hướng tránh được ánh nắng gay gắt trong ngày.
Bước 2: Chiết tách lan
Với những người chưa có nhiều kinh nghiệm thì khi mua lan rừng về, nếu là loại mọc thành cụm, bụi thì nên để nguyên như vậy để trồng, hơn thế nếu tách chiết ra thì cây sẽ rất dễ bị mất sức, còi cọc, thậm chí là chết cây. Việc để nguyên bụi để trồng cũng sẽ giúp giữ ẩm cho lan tốt hơn, giúp lan mau bén rễ.
Khi mới mua lan về, cần quan sát kỹ bộ rễ, nếu thấy có cây con và rễ non, tốt và không bị bầm dập thì nên giữ lại, còn nếu thấy bầm dập, có dấu hiệu sâu bệnh thì nên cắt bỏ (bằng dao đã được khử trùng). Không nên cắt sát gốc mà chừa lại một phần rễ ngắn khoảng 1cm.
Trong thời gian khoảng từ tháng 7-11 không nên chiết tách lan rừng vì đặc điểm khí hậu mùa này không phù hợp cho lan phát triển mạnh, cho kích thước lan con nhỏ hơn rất nhiều so với khi ta tách chiết vào mùa xuân.
Bước 3: Bón phân cho lan rừng
Với lan rừng thì chúng ta không nhất thiết phải dùng các loại phân bón vô cơ, bạn có thể thay thế bằng nước vo gạo, nước hồ ao, đối với những cây đang cần kích cho ra hoa và mọc lá, ra rễ non thì có thể tưới bằng nước ngâm ốc sên (ốc sên đập bỏ vỏ bên ngoài, ngâm với nước qua đêm rồi tưới cho lan). Nếu dùng phân vô cơ thì nên dùng loại 20-20-20 pha thật loãng trong hầu hết các giai đoạn. Tới giai đoạn lan ngừng mọc lá mới (cuối thời kỳ tăng trưởng) thì nên đổi sang loại 10-30-30 để thúc cho cây ra hoa.
Bạn có thể tham khảo thêm bài viết Hướng dẫn cách trồng 4 loại hoa phong lan phổ biến hiện nay
3. Chăm sóc cây lan rừng
Một trong những đặc điểm sinh học đặc trưng của lan là ưa ẩm và bóng râm. Tuy nhiên, nếu thiếu ánh sáng thì cây cũng không thể phát triển tốt được. Cây lan cần được đón ánh nắng ở cường độ vừa phải, nếu tiếp xúc dưới ánh nắng trực tiếp quá lâu, cây có thể bị lụi tàn mặc dù được chăm sóc và tưới nước cẩn thận.
Phòng ngừa tác hại của nắng hạn đối với lan, ta cần chủ động tiến hành một số biện pháp sau:
Đối với phong lan: Không để cho nắng trời trực tiếp chiếu vào giỏ, bụi lan và toàn bộ giá thể (lồng lan), đặc biệt “kỵ” với nắng quái chiều và gió Tây (gió Lào). Nếu trồng đại trà thì phải làm giàn che bằng lưới nilon có lỗ để lan vẫn quang hợp được. Chú ý phun tưới (tốt nhất là phun sương mù nhân tạo) cho toàn bộ cây và giá thể theo kinh nghiệm “2 ướt 1 khô” trong ngày đó là vào các thời điểm trước bình minh và sau hoàng hôn. Lượng nước vừa đủ để làm mát cây, ướt rễ và dự trữ. Phun vẩy xối xả sẽ làm thất thoát chất khoáng nuôi cây.
Đối với địa lan: Chăm sóc như đối với phong lan, cần chú ý đảm bảo đất nền tơi xốp, nhiều màu ở thể hữu cơ đang hoai mục là tốt nhất. Nên bổ sung từ 10-20% vụn gỗ mục (cả vỏ), 10-20% (theo khối lượng tổng thể) các mẩu than gỗ nhỏ luôn ẩm (nhưng không ướt sũng) để nhử rễ ăn ra mà ta quen gọi là hồ rễ. Tránh gió khô, gió lua qua phần nổi của cây. Làm mát đất bằng phun tưới nước loang theo bóng tán. Cần loại bỏ ngay những lá già (đã úa vàng) để ngăn chặn sâu bệnh bội nhiễm, tỉa các cành khô, rễ đã hết chức năng hấp thụ hơi nước và cộng sinh với vi khuẩn cố định đạm nuôi cây.
Không nên dùng NPK – loại dùng cho cây hoa màu, cây lương thực để bón cho lan. Để cây tươi lâu đẹp bền, hoa sai thắm màu, hương đậm có thể thúc cho lan (phun tưới toàn bộ giá thể) nước gạo mới vo, nước ngâm tro hoai và rắc xỉ than (nguồn phân vi lượng tổng hợp). Nếu có điều kiện lấy bông (hoặc vải bông cotton) nhúng vào dung dịch glicerin 10- 15% cuốn vào cổ rễ để giữ ẩm.
4. Cách chữa bệnh vàng lá cho cây phong lan
Khi lá của hoa phong lan vốn có màu xanh chuyển dần sang màu vàng thì chứng tỏ sự sống của lan đang bị đe dọa rất nghiêm trọng, nếu không khắc phục kịp thời thì lan sẽ chết. Vì vậy, khi lan có dấu hiệu bị vàng lá, bạn cần xác định nguyên nhân gây bệnh và khắc phục ngay lập tức:
Bước 1: Xử lí sơ bộ
Nếu lan bị vàng lá do ánh nắng thì cần đưa lan đến chỗ có bóng râm nhưng đầy đủ ánh sáng. Hoặc có thể thiết kế một mái che cho lan.
Nếu do nhiệt độ quá thấp và ẩm thì cần cân bằng nhiệt cho lan bằng cách đặt chúng ở vị trí có thể tiếp xúc nhiều với ánh nắng.s
Nếu do tưới nước quá nhiều thì phải điều chỉnh chế độ nước tưới.
Bước 2: Cắt bỏ phần lá vàng và khử trùng, phục hồi lan
Khi lan bị vàng lá toàn bộ hoặc vàng một phần của lá nhưng không rụng khỏi cây, chúng ta cần chủ động dùng kéo cắt bỏ những lá bị vàng rồi khử trùng cho vết cắt để giúp cây phục hồi nhanh chóng.
Lưu ý:
Khi cắt lá phải dùng dao hoặc kéo sắc để không làm tổn thương đến khu vực xung quanh lát cắt. Trong thời gian cắt bỏ lá bị vàng cần để cây ở nơi khô ráo, thoáng mát. Sau đó, bạn khử trùng cho vết cắt bằng oxy già nồng độ 0.3%. Sau đó sử dụng một trong số 3 loại thuốc như Topsin M, Daconil hoặc Mexyl MZ để phun cho lan. Bạn cần chú ý đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng. Tránh phun quá liều sẽ gây ra tác dụng phụ không mong muốn, thậm chí có thể làm lan mất đi sự sống. Ngưng tưới nước trong 3 ngày rồi tiến hành tưới phun sương để kích thích cây lên lá mới.
Ngoài ra, bạn có thể tìm hiểu về một số cách chữa bệnh khác cho hoa phong lan qua bài viết: Hướng dẫn cách diệt trừ ốc sên gây hại hoa lan
Hy vọng bài viết trên sẽ giúp ích cho bạn trong quá trình trồng và chăm sóc hoa phong lan rừng làm đẹp cho ngôi nhà thân yêu nhé!