Đề Xuất 6/2023 # Kinh Nghiệm Để Hoa Lan Lâu Tàn – Nguyễn Ngọc Hà – Dân Chơi Lan # Top 13 Like | Vitagrowthheight.com

Đề Xuất 6/2023 # Kinh Nghiệm Để Hoa Lan Lâu Tàn – Nguyễn Ngọc Hà – Dân Chơi Lan # Top 13 Like

Cập nhật nội dung chi tiết về Kinh Nghiệm Để Hoa Lan Lâu Tàn – Nguyễn Ngọc Hà – Dân Chơi Lan mới nhất trên website Vitagrowthheight.com. Hy vọng thông tin trong bài viết sẽ đáp ứng được nhu cầu ngoài mong đợi của bạn, chúng tôi sẽ làm việc thường xuyên để cập nhật nội dung mới nhằm giúp bạn nhận được thông tin nhanh chóng và chính xác nhất.

BÍ QUYẾT ĐỂ GIỮ HOA LAN RỪNG LÂU TÀN

Hầu hết các giống lan công nghiệp hoa nở rất lâu tàn, thế nhưng với một giò lan rừng, trong khi phải bỏ ra bao nhiêu công sức mới có được, vậy mà nhiều khi hoa chỉ nở được dăm bảy ngày. Vậy phải làm cách nào để các giò lan khoe sắc được lâu hơn? Sở hữu hàng trăm giống lan đủ loại, xuân – hạ – thu – đông khi nào cũng có lan nở trong vườn, tôi đã kiểm chứng và ghi chép lại số liệu thực nghiệm, từ đó đúc kết được kinh nghiệm để giữ những giò lan rừng lâu tàn. Nhân dịp tết đến xuân về, tôi xin được chia sẻ, với hy vọng giúp ích phần nào cho người yêu hoa có được những giò lan rừng bền lâu.

1. Trong thời gian lan nụ và nở hoa

thì không (hoặc hạn chế tối đa) tưới nước vào nụ và hoa vì sẽ làm thối nụ, hoa, hoặc làm dập nát hoa. Đặc biệt tránh để hoa dầm mưa, nếu lan nở hoa ta nên cho vào trong mái hiên hoặc nơi có đủ ánh sáng mà không bị mưa táp vào.

Tóm lại cần hạn chế tưới nước, đây là kinh nghiệm mà tôi tâm đắc nhất. Giò Đại Ý Thảo (hình 1), 4 ngày tôi mới phun 1 ít nước vào giá thể và rễ (không đẫm, chỉ đủ ẩm rễ, giúp rễ không bị chết khô), thế mà hơn 20 ngày hoa vẫn chưa tàn. Cũng giò Đại Ý Thảo đó, năm ngoái có hoa nhưng tôi để ngoài vườn, tưới nước bình thường, đúng 8 ngày tàn hoa. Thật không thể tin nổi! Các bạn sẽ thấy sau 20 ngày, giả hành của lan bị tóp lại, nhưng yên tâm, lan rất lì và sẽ không chết. Hết hoa tưới lại bình thường, sau 1 – 2 tuần giả hành sẽ lại căng trong lên ngay. Kinh nghiệm này áp dụng với hầu hết các loại lan đa thân (thân thòng) ví dụ như các loại: Kiều (Thủy Tiên), Dendro, Giả Hạc, Long Tu, Hoàng Thảo Vôi, Hoàng Thảo Kèn, Trầm…

Thêm ví dụ khác về giò Kiều Trắng, nếu nở hoa bạn tưới nhiều nước hàng ngày vào gốc và giá thể thì khoảng 5-7 ngày hoa sẽ tàn. Nếu 2 ngày bạn mới phun sương 1 chút nước vào rễ thì có thể giữ hoa được 10 – 15 ngày. Riêng đối với các loại lan đơn thân như Ngọc Điểm, Đuôi Cáo, Sóc Lào, Sóc Ta, Hải Yến… thì vẫn nên tưới hàng ngày để lá không bị nhăn và hạn chế rụng lá chân. Có thể không tưới thì hoa lâu tàn hơn một chút, nhưng cái được không bù cái mất khi lá bị vàng và rụng.

2. Không nên bón phân trong lúc lan đang hoa

. Vì ra hoa chính là một cách duy trì nòi giống khi tới mùa hoặc cây bị báo động nguy hiểm tới sinh mệnh, bởi vậy khi bạn bón phân vào (đặc biệt là các loại phân giàu đạm), cây không có cảm giác sắp chết đói nữa, nó sẽ đánh thức các mắt ngủ và làm hoa tàn nhanh để giữ chất đẻ con. Nếu có phun phân thì chỉ phun chút xíu vi lượng vào bộ rễ, đặc biệt không phun phân dính vào nụ và hoa (khoảng 1/3 tới 1/2 liều ghi trên bao bì).

3. Nên để lan chỗ ít gió

, ít côn trùng để tránh làm khô cánh hoa, tránh hoa bị thụ phấn. Các bạn muốn thử nghiệm, hãy thụ phấn cho hoa hoặc để chậu lan chỗ gió to; lấy quạt thổi vào hoa sẽ nhận thấy ngay, hoa sẽ chỉ nở được số ngày bằng 1/4-1/2 số ngày trung bình của giống lan đó.

4. Nhiệt độ vừa phải,

càng nóng lan càng nhanh nở và nhanh tàn. Có 1 ví dụ cụ thể như thế này: Hai giò Long Tu khi mới hơi sưng mắt nhú nụ, 1 giò mang vào chỗ ánh sáng 35% và nhiệt độ 15 độ C thì khoảng 30-35 ngày hoa mới nở, giò kia mang ra chỗ nóng 32 độ và nắng 70% thì khoảng 18 ngày sẽ nở hoa. Nếu hoa nở giữ ở mức nhiệt 18-22 độ thì khoảng 15 ngày hoa sẽ tàn, nếu mức nhiệt 32 độ thì khoảng 10 ngày sẽ tàn. Ánh sáng nên vừa phải. Lan sẽ rực rỡ hơn và thơm hơn nếu đủ nắng, nhưng nhiều nắng quá, lan sẽ nhanh tàn, cánh nhanh bị khô héo. Quá tối, màu hoa rất nhợt nhạt và ít thơm.

Khi mua lan ở vùng khác về, bạn phải tìm hiểu xem vùng đó nóng hay lạnh để treo lan trong giàn chỗ có khí hậu gần với chỗ bạn mua nhất, tránh bị sốc nhiệt gây hỏng nụ và hoa.

5. Trước mỗi mùa hoa

, bắt buộc phải phun thuốc diệt côn trùng gây hại, chẳng hạn: Kiến sẽ mang rệp tới hút nhựa nụ và hoa, cuống hoa; Gián ăn nụ và hoa vào ban đêm, Bọ trĩ hút chất trên nụ và hoa; Muỗi hút nhựa nụ và hoa; Ong vàng và Kiến đen sẽ chích và đẻ trứng vào nụ và cánh hoa… Khi phun thuốc nhớ phun khắp vườn, cả nền đất và các cây lớn xung quanh, phun ướt giá thể. Hiệu quả nhất là phun lúc chiều gần tối ít nắng, không mưa và gió lặng. Phun thuốc thốc từ dưới lên để ướt mặt dưới lá hoặc ướt giá thể và chậu lan. Bạn cũng có thể dùng các loại thuốc sinh học tự chế từ thảo dược, vấn đề này tôi đã viết rất chi tiết trong bài 43 https://hungnguyendalat.com/nnh-b43/.

Khi bắt buộc phải phun các loại thuốc nấm và khuẩn để phòng và trị bệnh cho lan vào lúc có nụ và hoa thì tốt nhất nên phun né nụ và hoa ra. Phải đuổi sên và ốc sên đi với vỏ trứng đập nát bỏ vào giá thể hoặc rải bả sên trước khi lan ra nụ vì sên rất thích ăn cánh hoa.

6. Khi nhành hoa có 1 bông héo,

phải ngay lập tức cắt bỏ vì khí và năng lượng tiêu cực từ bông hoa héo úa sẽ làm ảnh hưởng tới các bông xung quanh. Nên treo giò lan tránh xa khói thắp nhang và khói thuốc lá vì khí ethylen sẽ làm rụng cả nụ lẫn hoa. Khi thưởng hoa, không nên sờ vào hoa, không được nắn bóp nụ. Phải coi bông hoa như 1 người con gái mới nhớn, bạn chỉ được nhìn bằng mắt, cấm sờ vào hiện vật, sờ vào sẽ gây ra những tác dụng phụ vô cùng nghiêm trọng.

7. Điều cuối cùng:

Cây lan phải to, khỏe, sung thì hoa mới lâu tàn,bởi vậy giai đoạn chăm sóc trong suốt quá trình sinh trưởng trước khi ra hoa cũng rất quan trọng. Cùng 1 lô lan Hoàng Lạp: 1 chậu cây sung mãn, hoa nở 15 ngày; 1 chậu cây èo uột, hoa nở 7 ngày tàn. Nếu trước khi tạo nụ 1 tháng, bạn bổ sung đủ lân, kali và vi lượng (ví dụ 6-30-30TE) thì hoa sẽ to hơn, lâu tàn hơn, màu sắc đậm và rực rỡ hơn. Nếu thiếu Kali hoa sẽ nhạt màu, thiếu Mo và Bo nụ sẽ rụng (2 yếu tố vi lượng). Nếu thực sự yêu lan, không nên chơi hoa cho tới khi hoa tàn hẳn. Khi hoa có 1 chút dấu hiệu héo thì nên ngắt hoa đi để dưỡng cây, tránh cây bị kiệt sức. Cũng không nên quá chạy theo sự sai hoa mà ép cây; bình thường một giả hành Kiều 1 – 2 vòi nụ là đẹp và khỏe, nếu ép ra bốn, năm vòi nụ thì không những hoa sẽ nhanh tàn mà cây con mọc ra sẽ bị yếu, khó lớn nổi.

Bài viết này được đăng trên tạp chí VIỆT NAM HƯƠNG SẮC – cơ quan ngôn luận của trung hương Hội Sinh Vật Cảnh Việt Nam – số ra 293 nhân dịp tết Mậu Tuất 2018.

Tôi xin phép ngoài lề 1 chút: Tạp chí Việt Nam Hương Sắc là 1 cuốn tạp chí tổng hợp các thông tin và các bài viết có chất lượng về Hoa Lan, Cây cảnh – Bonsai, Chim cảnh, Cá cảnh, Chó cảnh, Gỗ lũa, Đá cảnh và nhiều các vấn đề khác về Sinh Vật Cảnh trong và ngoài nước.

Một cuốn 26 ngàn (gửi ra nước ngoài là 4USD), mọi chi tiết đặt tạp chí bạn có thể liên hệ: ĐT: 02432.4444.29 – 0963.298.396 Hoặc liên hệ Email: tcvnhs@gmail.com (viết tắt của Tạp Chí Việt Nam Hương Sắc) Hoặc bạn có thể giao lưu trực tiếp với anh Tổng Biên Tập: Nguyễn Thắng Nguyen Thang

Tôi mong bạn có lan chơi tết và thậm chí chơi tới rằm tháng giêng, chắc chắn bạn bè của các bạn cũng mong muốn như thế. Vì vậy xin hãy CHIA SẺ bài viết này trên trang cá nhân của bạn để bạn bè của bạn có thể đọc được. Xin hãy yêu lan 1 cách vô tư trong sáng và CHIA SẺ những giá trị tốt đẹp tới cộng đồng!

Nguyễn Ngọc Hà – Đức Trọng, Lâm Đồng

Phân Cho Lan – Nguyễn Ngọc Hà – Dân Chơi Lan

PHÂN BÓN CHO HOA LAN

Nhiều người chơi lan nghĩ rằng hoa lan ở trên rừng không ai bón phân vẫn lên rất xanh tốt, đơm hoa kết trái bình thường. Vậy thì trồng lan ở nhà chắc cũng không cần bón phân vẫn được như ở rừng. Thực tế đã chứng minh điều ngược lại.

Lan ở ngoài tự nhiên vẫn nhận được rất nhiều chất dinh dưỡng từ vỏ cây, lá cây mục, phân chim, xác các loại côn trùng, xác các loại nấm, địa y và dưỡng chất từ nước mưa… Khi chúng ta trồng lan chơi tại nhà, giá thể thường rất sạch sẽ như vỏ thông, dớn, gỗ lũa, viên đất nung… vậy nên chúng ta vẫn nên bón phân cho lan để đạt hiệu quả phát triển tốt hơn. Tôi nhận thấy nếu chúng ta bón phân cho lan cân đối, hài hòa và đầy đủ đều đặn thì cây lan phát triển tốt hơn trên rừng trong môi trường tự nhiên rất nhiều.

Tuy nhiên, có rất nhiều người chơi lan do hiểu chưa tới về việc bón phân cho lan nên đã lạm dụng quá nhiều hoặc bón không cân đối các chất, bón sai cách trong quá trình sinh trưởng và phát triển của cây gây hậu quả cháy lá, chết cây, thối rễ, không ra được hoa và còn nhiều hệ lụy khác.

Tôi rút ra được bài học rằng thà bón ít hoặc không bón còn hơn là bón dư. Vì bón dư chắc chắn lan sẽ chết nếu không cứu chữa kịp thời.

Các loại phân kích thích ra rễ được khuyến cáo nên dùng

để kích thích tạo bộ rễ cho lan khi mới trồng hoặc bộ rễ không đủ để hút chất dinh dưỡng đó là: Chế Phẩm Hùng Nguyễn, Terra Sorb 4, Vitamin B1, N3M, Vinamax Growmore, Rootone, Super Thrive…

Nếu là lan khai thác từ rừng về, trước tiên nên ngâm với Physan20 để diệt khuẩn và nấm, sau đó ngâm với MỘT TRONG SỐ các loại phân kích rễ mới liệt kê bên trên theo liều khuyến cáo của nhà sản xuất. Cá nhân tôi vẫn thường ngâm giống với Chế Phẩm Hùng Nguyễn 6 trong 1 trong thời gian trung bình là 1 tiếng sau đó mới đem trồng vào giá thể.

Sau khi trồng, 5-10 ngày 1 lần đều đặn phun phân kích thích tạo bộ rễ cho tới khi bộ rễ đủ nhiều và khỏe để tự hút chất dinh dưỡng nuôi thân. Thường thì quá trình này sẽ kéo dài từ 3-6 tháng. Bạn cũng có thể luân phiên đổi các loại phân với nhau hoặc pha chung 2 loại lại với nhau, tuy nhiên phải giảm liều lượng của mỗi loại lại một chút.

Các loại phân kích thích bung mầm như Chế phẩm Hùng Nguyễn

, Keiki Super Xanh – Đỏ, Siêu bung đọt nảy chồi của Đầu Trâu hoặc Growmore, Acid Humic, chiết suất tảo biển, chiết suất nhộng tằm, trùng quế, Super Thrive, Atonik, Dekamon…

Bạn chỉ nên dùng 1 loại trong số các loại trên và tuyệt đối không được lạm dụng, phải nghe theo hướng dẫn của nhà sản xuất, nếu vì nôn nóng hoặc muốn thật nhiều mầm thì có thể gây ra teo mắt ngủ hoặc đẻ vô tội vạ gây suy kiệt cho cây và không thể ra rễ được.

Tôi thấy rằng rất nhiều người chơi lan do tâm lý nôn nóng nên mua vô tội vạ các loại phân như hai mục trên tôi liệt kê, thực ra chúng có công dụng tương tự nhau, không cần thiết phải lãng phí tiền bạc như vậy.

Các loại phân đa lượng, trung lượng và vi lượng:

Phân đa lượng là Đạm (N), Lân (P), Kali (K) viết tắt là NPK.

– Trong 3 tháng đầu của quá trình mầm non mọc lên, chúng ta có thể phun phân bón lá giàu đạm là NPK 30-10-10 để tăng sinh khối cho lan được nhanh chóng.

– Trong 3 hoặc 4 tháng tiếp theo nên dùng phân NPK 20-20-20 (nghĩa là 20% đạm, 20% lân, 20% kali

– Trong 3 tháng tiếp theo nữa nên dùng phân giàu lân và kali 6-30-30 để giúp cây lan cứng cáp, chống chịu điều kiện khắc nghiệt của thời tiết và chuẩn bị vào giấc ngủ (đối với lan đa thân có giả hành), sau đó là tạo nụ hoa.

Nếu bạn cảm thấy quá phức tạp thì có thể dùng phân NPK 20-20-20 trong suốt quá trình từ khi nảy mầm tới khi lan ngủ hoặc chuẩn bị ra nụ.

Có một giải pháp rất hay cho các bạn chơi lan tại nhà đó là dùng phân tan chậm (phâm xám, phân chì) của Nhật với các chỉ số NPK 14-13-13. Một năm chỉ cần gắn phân tan chậm 1 lần duy nhất, gắn phân vào thời điểm bộ rễ lan đã dài được 4cm trở nên. Nên nhồi phân vào túi lưới (loại túi bọc bông hoa cúc), sau đó đặt Sát Thành Chậu hoặc cách gốc lan ít nhất 5cm. Tôi thấy cách này rất tiện, tiết kiệm thời gian và sức khỏe, trong giàn tôi tất cả các giống lan trồng chậu, bảng dớn, trụ dớn… tôi đều gắn hoặc bỏ phân tan chậm loại này.

Ngoài đa lượng ra, bắt buộc bạn phải bón cân đối các yếu tố Trung Lượng (Lưu Huỳnh – S, Canxi – Ca, Magie – Mg) và các yếu tố Vi Lượng (Bo, Co, Cu, Fe, Mn, Zn, Si). Trên bao bì phân thường có ghi chữ TE, ví dụ như 20-20-20 TE, nghĩa là trong loại phân đó đã có bổ sung các yếu tố trung vi lượng, tuy nhiên bạn vẫn nên đọc thành phần ghi trên bao bì, vì không phải phân nào cũng đầy đủ cả trung và vi lượng.

Nếu bạn chỉ bón phân NPK mà không bón phân trung và vi lượng thì hậu quả là cây phát triển không khỏe, ít hoa, rụng nụ, dễ bệnh, lá bị hoại tử hoặc sọc, lá nhỏ, nụ không nở được….

Hiện nay trên thị trường ngoài phân bón lá có tích hợp TE (trung vi lượng) thì còn có loại phân tan chậm hữu cơ như 5-5-5Te và 3-6-6Te chuyên dùng cho hoa lan.

Lưu ý khi bón phân:

– Thời điểm phun phân tốt nhất là sáng sớm, sau đó là chiều mát. Nếu trong ngày nhiệt độ lên quá 33 độ C thì khi phun phân lúc 7h sáng, tới 10h30 bạn nên tưới rửa lại lá để tránh tình trạng cháy lá, cháy ngọn lan.

– Trước khi phun phân bón lá nên tưới nhẹ sơ qua để lan hấp thu phân tốt hơn.

– Phun phân bón lá nên ướt mặt dưới của lá vì mặt dưới nhiều khí khổng làm tăng khả năng hấp thu chất. Bên cạnh đó phun phân bón lá tốt nhất là phun ướt bộ rễ hoặc phun vào chất trồng trong chậu để phân ngấm xuống, đây chính là điểm khác biệt của lan so với cây ăn trái, cây công nghiệp và rau màu.

– Cây lan nhỏ thì dùng liều lượng bằng 1/2 so với bao bì hướng dẫn, sau đó tăng dần dần liều lên sau các lần phun và độ lớn về sinh khối của lan. Ví dụ nếu bạn trồng lan chưa bao giờ phun phân, bạn dùng NPK 20-20-20Te liều 2 gam pha 1 lít nước thì có thể cháy ngọn cháy lá và hư rễ, tuy nhiên nếu bạn dùng 0,5gam pha 1 lít sau đó từ từ tăng liều lên, thì sau chục lần dùng phân, khi lan đã quen bạn thậm chí có thể dùng liều 3gam pha 1 lít lan vẫn chịu được.

Phân tích như trên trông thì có vẻ phức tạp, nhưng thực tế lại rất dễ làm. Ví dụ nếu chỉ trồng chơi đôi ba chục tới trăm giò lan, thì quy trình chỉ cần đơn giản như sau: 1 tuần pha Chế Phẩm Hùng Nguyễn + NPKte phun 1 lần; gắn 1 bịch phân tan chậm; khoảng 20-30 ngày phun 1 lần phân bón lá Trung Vi Lượng 1 lần. Quá trình cứ lặp lại như vậy cho tới cách mùa hoa 2 tháng thì ngừng. Nói chung là tôi chỉ dùng chế phẩm Hùng Nguyễn vì thấy sự tiện lợi, rẻ và được nhiều hiệu quả cả kích mầm kích rễ lại tăng đề kháng. Rất dễ mua vì tôi nhận thấy chỗ nào cũng có bán.

Ngoài phân vô cơ, bạn cũng có thể tự ủ phân chuồng với nấm Trychodemar để bón cho lan. Chỉ lưu ý là phải ủ thật kỹ để tăng hàm lượng chất dinh dưỡng lên mức cao nhất, diệt trừ mầm bệnh, côn trùng và cỏ dại. Tuy phân chuồng rất an toàn cho cây và mát rễ, nhưng chưa hẳn đã an toàn cho người và rất dễ là nguồn gốc của nấm khuẩn và côn trùng hại tới lan. Cũng dễ dàng gây úng thối bộ rễ khi mùa mưa tới. Hiệu quả chỉ được tốt nhất trong 1 tới 2 tháng. Bạn nên cân nhắc lợi hại trước khi sử dụng. Các loại phân chuồng có thể ủ để dùng cho lan như Trâu, Bò, Heo, Gà, Dơi, Tằm…

Cách làm: 10 kg phân chuồng ẩm sệt + 30 gam nấm Trychodemar + 300 gam Supe lân trộn đều sau đó đóng vào bịch nilon đen, buộc kín lại rồi để ở góc tối. 50-60 ngày bỏ ra nhồi phân vào chiếc bít tất (dớ) rồi gắn lên giò lan. Sau 2 tháng lại gắn thêm 1 lần nữa là đủ 1 năm sinh trưởng của lan.

Quan điểm cá nhân tôi luôn là đơn giản hóa việc bón phân cho lan, sao cho an toàn tiết kiệm thời gian và sức khỏe. Ngoài các cách trong bài viết, còn rất rất nhiều công thức cũng như phương pháp và loại phân bón cho lan. Mỗi nghệ nhân sẽ đều có một bí quyết riêng đều đáng để chúng ta tham khảo và thực nghiệm. Mong rằng các bạn sẽ tự tìm ra phương pháp tốt nhất cho giàn lan nhà mình để có những giò lan đẹp thỏa niềm đam mê.

Nguyễn Ngọc Hà – Đức Trọng, Lâm Đồng

Nhất Điểm Hồng – Nguyễn Ngọc Hà – Dân Chơi Lan

Nhất Điểm Hồng – Dendrobium Draconis (Bài 23)

Ấn tượng đầu tiên đó là CÁNH SÁP, bóng loáng. Cánh hoa trắng tinh khôi, họng màu đỏ tươi (tùy vùng miền xuất xứ mà phổ màu từ tươi tới đỏ cam, họng có sọc nhiều hoặc ít). Đặc biệt là mùi thơm, thơm nồng nàn thơm mơ màng, thơm ngào ngạt chứ không phải là cái kiểu dí mũi vào mới thấy thơm, cách xa 5m vẫn thấy thơm.

Cái lưỡi của em nó thì có khi bầu bầu, có khi lại chia nhiều thùy tùy vùng miền.

Hoa nở vào mùa xuân hè tùy xuất xứ. Và tôi thấy may mắn là nếu xuất xứ Lâm Đồng, sẽ nở trúng Tết. Ầu ze!

Theo kinh nghiệm của tôi trồng em Nhất Điểm Hồng này thì bạn nên ghép vào GỖ, LŨA, THAN CỤC LỚN trong chậu đất nung nhiều lỗ. Trồng trong chậu thì trưng bày sẽ dễ và gọn gàng hơn, nhưng khó chăm hơn và cây dễ thối mầm hơn.

Khi bạn mua hàng ký về (tốt nhất là khi lan chuẩn bị nụ, dĩ nhiên là thời điểm nào ghép cũng được hết, tuy nhiên lúc mầm non đã ra rễ dài mà ghép thì phải chịu tổn thương rễ, lan sẽ suy một chút) cắt rễ sạch sẽ (Giống bài TRỒNG THỦY TIÊN KIỀU phía trước), ngâm dung dịch Ridomilgold (hoặc Physan) + Atonik + B1 (hoặc ngâm chế phẩm trên thị trường có bán kích kei, Thầy Hùng Đà Lạt….). Sau 15-30 phút, vớt ra, treo nơi khô ráo, thoáng mát khoảng 2-10 tiếng là ghép được.

Khi ghép xong, treo chỗ mát (40-50%) nắng cho tới khi mầm non ra rễ bám vào giá thể thì từ từ cho ăn 60-70% nắng.

Phân và thuốc thì giống bài 6 – Phân cho lan. Tuy nhiên em này không thích NPK 30-10-10 (đạm cao), vì thế bạn nên dùng 20-20-20 ổn hơn. Dĩ nhiên là dùng phân hữu cơ sẽ tốt hơn là hóa học (Ví dụ phân chuồng, phân tan chậm hữu cơ…)

Em này là giống lan có LÔNG, nên bạn hạn chế tưới vào lá, ngọn và mầm. Ngày tưới 1-2 lần là được. Nếu không có mái Nilon thì khả năng nàng bỏ bạn mà đi là Rất Cao. Tôi thấy em này đỏng đảnh y như phụ nữ chưa chồng, rất khó khăn cho anh em. Em này nói riêng và các em nhiều lông nói chung là MẮC BỆNH CÔNG CHÚA – không thích dầm mưa dãi nắng, thích MÁT MẺ. Nếu mà nóng quá thì khỏi thèm ra hoa.

Thuốc phòng bệnh là chính, chứ bệnh rồi thì chỉ có cắt bỏ thôi. Ridomilgold hoặc Antracol hoặc Nativo hoặc Score phòng nấm, teo mầm non. Luân phiên thay thuốc là tốt nhất.

Em này rất hay bị rầy, rệp vì thế bạn phải theo dõi thường xuyên, đặc biệt là dưới gốc, kẽ thân, kẽ lá. Nếu bị mấy kẻ phá hoại này, bạn có thể mua thuốc LƯU DẪN CHO LÚA xịt là ok – Loại xịt không trúng rầy rầy cũng chết!

1 Chơi hoa lan lâu tàn (Bài 2) 2 Bả sên, nhớt, ốc (Bài 1) 3 Cách trồng Giả Hạc – Phi Điệp, ý thảo (Thân Thòng)….(Bài 3) 4 Cách làm giàn lan tại nhà… 5 Phụ nữ và lan 6 Phân cho lan 7 Cách trồng kiều, giống lan Dendro…. 8 Cách trồng Ngọc Điểm, sóc, cáo, (đơn thân)…. 9 Chơi lan-thú chơi của người quân tử… 10 Cách cố định lan vào giá thể… 11 Tiểu khí hậu…(phần 1) 12 Tiểu khí hậu…(phần 2) 13 Kiểm soát độ ẩm 14 Làm lan nở hoa (phần 1) 15 Làm lan nở hoa (phần 2) 16 Sai lầm cơ bản của người mới chơi lan… 17 Cách tạo keiki cho lan có giả hành (phần 1) 18 Chăm lan suy…. 19 Làm lan đẻ con (cho lan đơn thân) (Cách tạo keiki – phần 2) 20 Kim điệp vàng 21 Bạch hạc Langbiang 22 Kiếm Xích Ngọc 23. Nhất Điểm Hồng

Nguyễn Ngọc Hà – Đức Trọng, Lâm Đồng

Hỏa Hoàng – Bài 41 – Nguyễn Ngọc Hà – Dân Chơi Lan

HỎA HOÀNG – Bài 41

KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ PHÂN THUỐC

Tuy không hương nhưng cực kỳ rực rỡ, tuy nhỏ nhưng rất đáng yêu, tuy rẻ tiền nhưng rất đáng sưu tầm, tuy dễ trồng nhưng không phải ai cũng biết.

Hỏa Hoàng – Lửa Vàng. Một vòi bông cũng như một đốm lửa nhỏ, trông có vẻ yếu đuối và leo lét, nhưng nếu chục vòi bông thì chẳng khác nào một đám cháy lớn, rực rỡ một góc vườn.

Nhìn cây có vẻ nhỏ bé nhưng cực kỳ mạnh mẽ cứng cáp với sức sống rất mãnh liệt. Nhìn hoa trông có vẻ mỏng manh, nhưng cực kỳ lâu tàn, nếu chăm sóc giữ gìn tốt, bạn sẽ có cả gần tháng trời để chiêm ngưỡng nét đẹp của ngọn lửa này.

Ngắm nhìn bông hoa và liên tưởng đến cái tên, ta lại nghĩ tới Hỏa Phượng Hoang trong truyền thuyết đang tung cánh bay lên trời để kết thúc một mùa xuân ấm áp và chào đón một mùa hè rực lửa.

Hỏa Hoàng chính là tên gọi chung của hai giống lan có tên khoa học là:

– Ascocentrum miniatum: cánh nhỏ hẹp dài, giữa các cánh hoa có khe hở, màu cam sáng có xu hướng vàng đôi khi có sọc trên cánh hoa, lưỡi hoa từ hơi cong tới cong quặp vào trong.

– Ascocentrum garayi: cánh tròn, các cánh xếp khít, cánh hoa có hình chiếc lá, màu cam đậm hơn và lưỡi thẳng.

Tôi khẳng định với các bạn, hiện nay trên 90% các trang web tiếng Việt dẫn chứng hình ảnh về hai giống này là sai. Hầu như toàn bộ là viết về cây Ascocentrum miniatum nhưng dẫn hình cây Ascocentrum garayi.

Nếu bạn có thể chứng minh được tôi sai với thông tin khoa học và nguồn đáng tin cậy, tôi xin tặng bạn 1 giò Hỏa Hoàng – Ascocentrum garayi trị giá trên dưới 500k. Lan thì tôi không thiếu, chỉ là tôi muốn đi tìm chân lý và sự thật. (https://www.orchidspecies.com/ascocminiatum.htm)

Hiện nay đa số Hỏa Hoàng tại Việt Nam là giống Ascocentrum garayi.

Vì giống lan này phân bố ở Đông Nam Á, cho nên giá tại các nước châu Âu, Mỹ, Nhật là rất đắt, 1 cây cao chừng 10cm có giá hàng trăm tới hàng triệu đồng. Còn ở Việt Nam đôi khi chỉ bằng 1/100 – 1/10. Đôi lúc chúng ta có báu vật nhưng lại không biết trân trọng.

KỸ THUẬT TRỒNG, CHĂM SÓC VÀ PHÂN THUỐC

1. THỜI ĐIỂM THÍCH HỢP:

Trong nam thì lúc nào cũng hợp, ngoài bắc thì trừ mùa đông ra. Hỏa hoàng là một giống lan sống ở vùng nóng và ấm, phân bố ở độ cao 0m – 1000m.

Hỏa hoàng phải được trồng trong môi trường độ ẩm không khí phải thật cao, nhưng độ ẩm cục bộ trên giá thể hoặc trong chậu phải vừa phải, nghĩa là giá thể phải thoáng.

Cây tăng trưởng quanh năm không có mùa nghỉ vì thế không nên để cây bị khô bất cứ thời điểm nào trong năm. Khi bị khô hạn bất chợt sẽ dẫn tới sự mất ổn định trong chu trình sinh trưởng dẫn tới cây bị yếu đi và rụng lá chân. Vì thế bạn cần tưới nước đều đặn 2 lần trong ngày và giữ cho độ ẩm môi trường xung quanh cây phải cao.

Bí quyết của tôi đó là treo lan thật xa lưới, càng gần mặt đất càng tốt, chỉ cho ăn nắng 50% (ánh sáng gián tiếp) và giữ nền đất luôn ẩm ướt. Chính nền luôn ẩm ướt là bí quyết để các giống lan đơn thân giữ lá chân.

Trên các trang mạng tiếng Việt luôn khuyên là bạn nên ít tưới hoặc ngừng tưới vào khoảng tháng 12 đến tháng 2. Tôi chưa bao giờ làm theo như vậy. Tôi nhận thấy việc ngừng tưới nước (ép khô hạn) chính là con dao hai lưỡi. Việc ép khô hạn chính là 1 cách kích thích sự phân hóa mầm hoa nhưng cách này cũng làm cây yếu đi nhiều và rớt mất lá gốc.

Tôi biết sẽ có bạn nói rằng ở trên rừng nó cũng chịu khô hạn suốt mùa khô đấy thôi. Đúng! Nhưng bạn có thấy trên rừng có cây hỏa hoàng nào có bộ lá thật sự đẹp và giữ được nhiều lá gốc không? Nếu bạn mang về vườn mà vẫn muốn bắt chước như trong rừng thì tôi hỏi bạn người ta chế ra phân kích hoa để làm cái gì? Bạn trồng ở vườn mà cây còn xấu hơn cả trong rừng không ai chăm sóc thì liệu bạn có thực sự xứng đáng với hai từ YÊU LAN hay MÊ LAN.

2. GIÁ THỂ

Hỏa Hoàng là giống lan rất ghét thay giá thể, thực tế là rễ của nó có thể sống cả chục năm. Vì vậy bạn hãy chọn những giá thể mà bạn nghĩ là nó có thể chịu được nắng mưa và nước hàng chục năm.

Ví dụ như lũa, các loại gỗ cứng đến siêu cứng như vải, nhãn, vú sữa già, lõi mít, thanh mai, dẻ, nu bằng lăng, cột bê tông cốt thép….

Nếu trồng chậu bạn nên chọn chậu đất nung già hoặc sành và bỏ vào trong đó vỏ thông cỡ lớn hoặc than cục hoặc viên đất nung hoặc gạch non….

Cách xử lý giá thể mời bạn đọc lại các bài trước. Tôi chỉ nhắc lại tí xíu về lũa và vỏ thông.

– Lũa dùng bàn chải sắt chải sạch bóng bề mặt (nói chung gỗ và lũa càng bóng càng sạch thì càng tốt) rồi ngâm nước 1 tuần cho cục lũa no nước, sau đó ngâm nước vôi 1 tiếng rồi rửa lại thật sạch. Làm móc thật cứng và to. Khoan lỗ đóng đũa vào để lấy chỗ cột cây lan lên hoặc đóng đinh có bọc ống truyền nước (loại ống trong bệnh viện) hoặc ống hút nước ngọt hoặc ống căn nước của thợ xây.

3. XỬ LÝ GIỐNG

– Hàng bóc rừng: Cắt tỉa rễ chết, dập gãy, để lại khoảng 3-5cm rễ tươi là được.

– Cây thuần muốn thay giá thể: Cố giữ lại được rễ non và tơ khỏe mạnh bao nhiêu thì tốt bấy nhiêu. Trước khi bóc ra khỏi giá thể cũ mục nát thì nên ngâm nước 30 phút cho dễ lấy lan ra. Tuy nhiên bạn muốn cây nhanh tự bám giá thể thì nên cắt bớt rễ đi để nó ra rễ mới.

– Ngâm vào dung dịch Physan 20 liều 1ml/1 lít nước trong 10 phút.

– Vớt ra để ráo sau đó ngâm vào chế phẩm Hùng Nguyễn liều 1ml pha 1 lít nước trong thời gian 1 – 2 tiếng. Bạn cũng có thể ngâm B1 pha chung chiết xuất tảo biển hoặc nhộng tằm hoặc chiết xuất rong biển…. Cây đơn thân không nên dùng Atonik, vì atonik hiệu quả trên lan đơn thân không cao.

4. CÁCH GHÉP VÀ LƯU Ý SAU GHÉP

Dùng dây nilon hoặc dây nhôm bọc nhựa hoặc dây khâu bao hoặc sợi đan len cột chặt cây lan vào chiếc đũa. Tuyệt đối không dùng dây thép để buộc lan.

Nên trồng so le và xếp thẳng hàng để hoa trổ ra có thể phô bày hết tất cả các vòi hoa, tránh tình trạng cây này đè lên vòi hoa của cây kia và hạn chế tình trạng cây bên trên bị nhiễm bệnh sẽ chảy dịch khuẩn và nấm làm chết luôn cây bên dưới.

Nên trồng các cây cùng kích thước vào 1 giò để hoa ra đều và nâng cao giá trị thẩm mỹ cho giò lan.

Sau khi ghép, tốt nhất nên để cách mặt nền khoảng 10-50cm, ăn nắng 40% (có ánh sáng đọc được sách là được, không cần nắng cũng tốt). Đảm bảo nền luôn ẩm hoặc thậm chí là biến nền thành ao thì càng tuyệt vời. Ngày tưới 2 lần vào giá thể, thật đẫm giá thể. Hạn chế tưới vào ngọn tránh đọng nước trên ngọn.

Đợi khi bộ rễ mới ra bám chắc vào giá thể thì bạn có thể treo lên giàn với mức ánh nắng 50-60%.

Khi cây đã thuần 1 năm, khỏe mạnh với bộ rễ cực nhiều, độ ẩm không khí thực sự cao thì bạn có thể cho em nó ăn nắng 70% (tương đương 1 lớp lưới xanh đen của Thái).

Khi tôi nhập hàng bên Lào về, tất cả lá của Hỏa Hoàng đều tím và đốm tím, đó không phải bệnh mà là hiện tượng thừa nắng, thiếu đạm và thiếu Magie, trường hợp này chỉ cần để chỗ mát như trên và phun chế phẩm Hùng Nguyễn tuần 1 lần kết hợp phân NPK + TE thì sau 2 tháng lá sẽ xanh mướt trở lại.

5. PHÂN BÓN

Tôi luôn quan niệm về sự ổn định và bền vững hơn là tốc độ tăng trưởng, vì vậy quan điểm cá nhân tôi luôn là NPK+TE: 20-20-20+TE cho cây từ sau khi hết hoa cho tới hơn 8 tháng sau đó. Phun 7-15 ngày 1 lần.

Trong suốt quá trình này, giúp bộ rễ ra nhiều và sức đề kháng cây tốt, bạn nên dùng chế Phẩm Hùng Nguyễn 7-15 ngày 1 lần tùy độ siêng của bạn. Tới khi chuyển sang quá trình kích bông thì có thể ngừng dùng chế phẩm cũng được.

Thường thì Hỏa Hoàng nở vào tháng 2-4 âm lịch, nghĩa là cuối xuân đầu hè. Vì thế tháng 1 âm lịch là tôi chuyển từ 20-20-20+Te sang 6-30-30+Te hoặc 6-32-32+Te (loại này của Thái Lan) hoặc Siêu Lân 10-60-10+Te để kích thích quá trình phân hóa tạo mầm hoa. Phun 5-7 ngày 1 lần, phun khoảng 5-8 lần.

Khi cây lan nhú nụ thì phun phân vào rễ thôi, né nụ ra. Khi gần nở thì ngừng hẳn phân luôn. Phân nên phun sáng sớm hoặc chiều mát khi mà nhiệt độ trong ngày không quá 30 độ C.

Nếu bạn ở xứ nóng hoặc mùa hè miền bắc, bạn nên phun phân khoảng 6-7 giờ sáng, tới 10 giờ sáng nên tưới thật đẫm lại rửa phân đi tránh hiện tượng phân bị axít hóa làm cháy tế bào lá. Nếu phun chiều thì cũng nên phun lúc 16h. Trước khi phun phân, bạn nên tưới nhẹ lướt qua với lượng nước chỉ bằng 1/5 so với lượng nước tưới bình thường rồi đợi nửa tiếng cho ráo nước thì phun phân.

Không dùng phân sau những trận mưa dầm hoặc tưới đẫm vì như vậy chẳng khác gì bảo bạn uống 3 lon bia rồi ăn cơm.

Phân thì nên pha chung 1-3 loại với nhau cũng được nhưng không nên pha chung với thuốc bệnh và thuốc sâu vì sẽ giảm hiệu quả của tất cả.

Nếu bạn không có thời gian nhiều, bạn hoàn toàn có thể gắn phân tan chậm cho cây, quấn phân sao cho khi tưới nước phân chảy xuống rễ cây hút được nhiều nhất. Khi đã gắn tan chậm thì bạn không cần phun thêm NPK nữa.

Dù là phân bón lá, nhưng thực ra để hiệu quả nhất lại chính là phun đẫm vào giá thể và bộ rễ, sau đó mới là ướt đẫm mặt lá.

6. THUỐC PHÒNG TRỪ SÂU BỆNH

A. Thuốc sâu bao gồm thuốc trị rệp, rầy, kiến và nhện đỏ. Như cá nhân tôi hay pha chung Movento với Pesieu phun định kỳ mỗi tháng 1 lần vào mùa mưa và 2 lần vào mùa khô. Vì mấy vị khách không mời này phát triển mạnh hơn vào mùa khô.

B. Thuốc bệnh:

Thuốc trị nấm và khuẩn Agrifos 400 nửa tháng phun 1 lần.

Nano Bạc nửa tháng 1 lần đan xen với Agrifos 400. Nghĩa là cứ 1 tuần phun phòng nấm khuẩn 1 lần.

Hai loại thuốc trên hầu như không độc, an toàn cho bà bầu và trẻ nhỏ. Thân thiện môi trường. Tuy nhiên hiện nay hàng giả hoặc không đạt yêu cầu chất lượng quá nhiều, nên bạn cần liên hệ chỗ có uy tín và thương hiệu có uy tín. Bạn phải hiểu là cái gì càng tốt thì càng nhiều đồ nhái và giả, không ai đi nhái theo cái không tốt cả.

Ngoài ra bạn nên phun Nano đồng 1-2 lần 1 tháng để phòng 1 số bệnh như thán thư và tăng sức đề kháng cho lan, tăng khả năng chịu rét và làm mướt lá lan.

Bên trên là phòng bệnh. Còn chữa bệnh muốn nhanh và hiệu quả thì vẫn nên dùng thuốc trị khuẩn như Kasumin, Starner, Poner. Thuốc trị nấm như Antracol, Metalaxyl, Aliette, hoặc TopsinM, Daconil…

Nói về thuốc và phòng chữa bệnh, bạn nên kéo lại bài 27, 28, 29 để ngâm cứu sâu hơn.

Bài nào của tôi cũng dài như sông Trường Giang, lòng vòng và chẳng phải bài viết khoa học. Bạn tưởng tôi không biết điều đó sao?

Tôi là người ham đọc, và tôi cực kỳ hận những bài viết chỉ chục dòng không có áp dụng được cái gì. Và hận hơn nữa là những người viết bài mà chỉ để thả thính, quăng ra 1 nửa bí kíp và giữ lại một nửa.

Đêm đã khuya rồi, bạn đọc xong thì nhớ CHIA SẺ cho bạn bè cùng tham khảo, âu đó cũng là cách giúp văn hóa đọc của người Việt Nam ta sánh được với mấy nước xung quanh chứ chưa nói đến châu Âu hay Nhật, Mỹ.

Nguyễn Ngọc Hà – Đức Trọng, Lâm Đồng

Bạn đang đọc nội dung bài viết Kinh Nghiệm Để Hoa Lan Lâu Tàn – Nguyễn Ngọc Hà – Dân Chơi Lan trên website Vitagrowthheight.com. Hy vọng một phần nào đó những thông tin mà chúng tôi đã cung cấp là rất hữu ích với bạn. Nếu nội dung bài viết hay, ý nghĩa bạn hãy chia sẻ với bạn bè của mình và luôn theo dõi, ủng hộ chúng tôi để cập nhật những thông tin mới nhất. Chúc bạn một ngày tốt lành!